Du lịch golf là 'con gà đẻ trứng vàng'?

(PLVN) - Mới đây, trong khuôn khổ các sự kiện bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam. Các chuyên gia nhận định du lịch golf sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” trong ngành du lịch. Bởi golf không chỉ là một môn thể thao thuần túy mà còn là một hình thức giải trí, xã giao lành mạnh, đẳng cấp,  do vậy có sức hút đối với những người có khả năng chi trả cao.
Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam.
Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam.

“Miếng bánh béo bở” cho du lịch...

Những năm trở lại đây, nhận thấy được tiềm năng của loại hình du lịch golf, các nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng sẵn sàng tung ra các chiến lược, hiện thực hoá bằng việc xây dựng các sân golf tại các khu vực trọng điểm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2017, tại Hội nghị Golf Châu Á - Thái Bình Dương (APGS) đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, Việt Nam được tôn vinh là điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với nhiều sân golf đạt đẳng cấp quốc tế trên đường bờ biển dài hơn 3000 km. 

Năm 2018 tại bãi sài Cam Ranh đã khai trương sân golf quy mô nhất Khánh Hòa – KN Golf Links 27 lỗ được xây dựng và thiết kế theo chuẩn quốc tế, kết hợp với vị trí tọa lạc tại khu vực trọng điểm. Cùng năm, hơn 100 golf thủ quốc tế đã tham dự “Ngày hội golf thường niên BRG Hà Nội  Festival 2018”.

Tại đây, nhiều golf thủ bày tỏ sự bất ngờ với trải nghiệm của mình. “Tôi đã chơi golf ở nhiều nơi như Anh, Thái Lan, Singapore nhưng ở Việt Nam tôi thấy rất ấn tượng với sự phát triển của thị trường golf với những sân chơi đẹp, có thể sánh tầm quốc tế”- chia sẻ của golf thủ người Anh Stephen Hurn tham gia giải Golf BRG tại Việt Nam.

Một golf thủ khác người Singpapore cùng tham gia giải này, anh S. Jayaram cho biết anh chỉ mất khoảng 1.100 SGD (khoảng 19 triệu đồng) cho cả chuyến đi chơi golf tại Việt Nam, chi phí này thấp hơn rất nhiều so với các nước Nhật Bản, Thái Lan mà anh đã từng đi trước đó. 

Điều đó cho thấy, du lịch golf ở Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là cạnh tranh về giá thành. Được biết, Việt Nam hiện có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong tổng số 60 sân golf được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2020.

Các sân golf Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có vị trí tương đối gần nhau, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước láng giềng và rất hấp dẫn với khách du lịch golf vốn yêu thích chinh phục nhiều sân golf và trải nghiệm cảm giác khác nhau về môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. 

Nhiều sân golf đẳng cấp xuất hiện tại Việt Nam.
Nhiều sân golf đẳng cấp xuất hiện tại Việt Nam.

Mặt khác, theo thống kê của Tổ chức du lịch Golf Thế Giới (IAGTO) hiện có khoảng 56 triệu golf thủ trên toàn thế giới; ngành du lịch golf được xếp thứ ba về động lực du lịch tới Châu Á. Ước tính, một khách du lịch golf chi tiêu gấp 2,2 lần so với một khách du lịch thông thường; bởi du khách chơi golf đa số có thu nhập cao, thời gian lưu trú kéo dài do họ kết hợp chơi golf và du lịch khám phá. 

Huyền thoại golf người Úc – Grey Norman cũng là Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 từng nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, ngày càng nhiều doanh nhân thành đạt có nhu cầu tìm kiếm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần sang trọng. Việc xây dựng sân golf kết hợp với các loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng sẽ thu hút được phân loại du khách này đến vào cuối tuần”.

Phát biểu tại Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, du lịch golf là một loại hình du lịch cao cấp đang có tốc độ phát triển rất nhanh và có sức thu hút lớn đối với những người có khả năng chi trả cao. Du lịch golf không chỉ cung cấp sản phẩm phong phú, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, mà còn mang lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm và các lợi ích kinh tế -  xã hội. 

Vẫn còn “xa tầm tay”?

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch golf ở Việt Nam hiện vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong thị trường “béo bở” này. Theo thống kê, vào năm 2017, Việt Nam mới có 32 sân golf trong khi các nước láng giềng như Indonesia có 152 sân, Malaysia có 230 sân, Thái Lan có 253 sân.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf rơi vào khoảng 50.000 khách trên tổng số 10 triệu khách (0,5%), ở Malaysia là 500.000 lượt trên tổng 25 triệu khách (2%) và Thái Lan trên 2 triệu lượt trên tổng 23,2 triệu khách (9%). Trong đó, Thái Lan sớm được mệnh danh là “thủ đô Golf của Châu Á”, mỗi năm du lịch golf của Thái Lan thu về cho đất nước này khoảng 2 tỷ USD nhờ nhiều chính sách ưu đãi kích cầu du lịch golf hiệu quả. 

Nhìn về trong nước, việc đa dạng hóa các loại hình du lịch golf ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế do việc đầu tư còn manh mún, rời rạc, thiếu trọng điểm. Đa số các khu du lịch golf lớn tập trung ở một số TP, chứ chưa được phân bổ đều tại các tỉnh thành khác.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng đường sá chưa phát triển đồng bộ, các gói du lịch golf hiện giờ còn đơn giản, chưa kết nối được với các địa điểm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch đặc thù trong cùng khu vực, làm du khách không quá hào hứng.

Lý giải điều này một phần do thiếu kinh phí, hai là do các doanh nghiệp còn tâm lý “dè dặt” trong việc đầu tư mạo hiểm cho một loại hình du lịch mới mẻ này, trong khi vẫn chưa có định hướng, chính sách cụ thể. 

Trước bối cảnh có vô vàn lợi thế khi mà du lịch nói chung và nhu cầu giải trí thư giãn của con người nói riêng ngày càng được nâng cao, thì việc tận dụng các loại hình du lịch mới mẻ như du lịch golf sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch như các chuyên gia nhận định. Song, những bất cập nêu trên đang khiến loại hình du lịch đầy tiềm năng này trở nên mờ nhạt trong con mắt của du khách, chưa phát huy được hết lợi thế sẵn có. 

Đọc thêm