Du lịch Việt tìm lời giải bài toán liên kết vùng

(PLVN) - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Do đó, sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng lãnh thổ, trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, thậm chí vượt ra khỏi một quốc gia, một châu lục…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xu thế tất yếu

Việc hợp tác giữa các tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng; qua đó phát huy những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả; đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, có tính cạnh tranh cao.

Đó là hướng đi của bốn tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh trong vài năm gần đây. Với lộ trình dọc theo trục quốc lộ 37, du khách có rất nhiều lựa chọn cho một lịch trình “bận rộn”; ví như, khi bắt đầu di chuyển qua các điểm du lịch ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên); qua ATK Hiệp Hòa, chùa Bổ Đà, các làng Quan họ cổ, làng nghề truyền thống dọc bờ Bắc sông Cầu, hay chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn (tỉnh Bắc Giang); dọc theo dãy núi Yên Tử từ phía Tây qua phía Đông có rừng nguyên sinh Khe Rỗ, làng Bản Mậu, khu Đồng Thông (tỉnh Quảng Ninh); kết thúc ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương)...

“Để khai thác hết tiềm năng du lịch các tỉnh Hải Dương - Bắc Giang - Thái Nguyên - Quảng Ninh không thể thiếu sự liên kết, nhất là kết nối các tuyến, điểm du lịch để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng vùng.

Các điểm du lịch cần được kết nối với nhau trong vùng hoặc liên vùng nhằm hình thành các hành trình di sản văn hóa - tuyến, tour du lịch hoàn chỉnh, để có thể khai thác liên hoàn, phục vụ nhiều loại đối tượng du khách với các nhu cầu đa dạng khác nhau” - Ông Nguyễn Đức Việt - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương chia sẻ với báo chí. 

Thực tế cho thấy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm mà hiệu quả, một xu thế tất yếu trong ngành du lịch. Về bản chất, đây là việc kết nối các chuỗi giá trị đặc trưng của các địa phương, tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình để cung cấp cho du khách.

Không chỉ đa dạng hóa, hoàn chỉnh sản phẩm du lịch, giải pháp liên kết còn hướng đến giảm áp lực quá tải du khách ở các khu du lịch trọng điểm như Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hòa… thông qua việc nâng tầm giá trị du lịch của các tỉnh, thành lân cận; nhằm mục đích chung là phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam. 

Có thể kể đến sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch của 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Quảng Nam – Đà Nẵng là một minh chứng. Thông qua các hoạt động chung, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp, bài bản.

Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đến”… đã thành công thu hút hàng triệu du khách.

Bài toán không đơn giản

Thực tế “mạnh ai nấy làm” đã diễn ra nhiều năm qua, địa phương nào cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại thiếu tính quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, thiếu tính liên kết dẫn đến tình trạng trùng lặp sản phẩm, phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, để giải bài toán liên kết vùng, cụm không đơn giản chỉ là những cái “bắt tay”, “gật đầu” giữa các cơ quan quản lý.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua mới tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến; trong khi đó những vấn đề cốt lõi khác như xây dựng sản phẩm, đào tạo – phân bố nhân lực... chưa được chú trọng đúng mức. 

Vấn đề nan giải cũng nằm ở sự bất đồng quan điểm do lợi thế, sản phẩm khác biệt, nguồn lực kinh phí không đồng đều giữa các địa phương, dẫn đến không có tiếng nói chung. Đơn cử, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương lân cận cùng có thế mạnh về dòng sản phẩm tham quan bằng tàu và nghỉ đêm trên vịnh, hướng tới đối tượng khác có mức chi tiêu cao.

Nhưng vì thiếu tính liên kết giữa hai địa phương lâu nay mới dẫn đến tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, “kẻ được thì người mất” mà phía thiệt thòi nhất vẫn là doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn hơn và du khách sẽ ít được trải nghiệm hơn. 

Để khắc phục những hạn chế, các chuyên gia du lịch đề xuất Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau; cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới.

Nhưng bên cạnh đó, trong mỗi một khối liên kết, cũng cần xác định một “chủ tọa” có trách nhiệm kết nối, hòa giải giữa các địa phương còn lại qua các hình thức như: trao đổi kinh nghiệm quản lý; đưa ra các cơ chế, chính sách  phối hợp để thu hút nhà đầu tư, phát triển đồng bộ trong khu vực; xây dựng các sản phẩm chung tận dụng được đặc thù của mỗi địa phương; hợp tác xúc tiến quảng bá sản phẩm…

Thiết nghĩ, thành bại của một khối liên kết quan trọng nhất nằm ở sự đồng lòng, nhất trí của các địa phương trong công tác phối hợp, triển khai thực hiện trong thời gian dài. Từ đó, những sản phẩm du lịch đặc sắc được xây dựng, cải thiện và hoàn chỉnh dần dần mới có đủ sức hút đối với du khách và nhà đầu tư, đủ sức cạnh trên trên thị trường du lịch trong nước, thậm chí trong khu vực ASEAN và xa hơn là ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới. 

Đọc thêm