Giải pháp nào xử lý triệt để 'xe dù' ở Thừa Thiên Huế?

(PLO) - Kinh doanh “chui”, không đóng thuế nhưng loại hình vận tải “xe dù”, “xe ké” đem đến “tiện lợi” như đưa đón tận nhà, xe thoáng mát, sạch sẽ, chạy đúng giờ,… Điều này lý giải vì sao lâu nay loại hình “xe dù” lại được không ít người “ưa thích” và thường xuyên sử dụng. Và cũng chính sự “góp sức” này mà lâu nay “bài toán” về xử lý loại hình xe này mặc dù được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.  
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm “xe dù”. Ảnh Báo Thừa Thiên Huế
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm “xe dù”. Ảnh Báo Thừa Thiên Huế

Thoắt ẩn, thoắt hiện 

Hiện nay, tình hình hoạt động của “xe dù”, “xe ké” chạy chủ yếu trên ba tuyến Huế - Đà Nẵng; Huế- Quảng Trị; Huế - Quảng Bình và ngược lại nhưng tập trung chủ yếu vẫn là tuyến Huế - Đà Nẵng và Đà Nẵng – Huế. Liên tục nhận được tin báo của nhân dân và một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, chúng tôi có dịp tiếp cận một số loại hình xe này tại một số điểm khuôn viên Bệnh viện TW Huế, đường Nguyễn Thái Học, đường Ngô Quyền,… và một số điểm rải rác khác trên địa bàn thành phố Huế.

Trong “vai” một hành khách có nhu cầu đi vào TP Đà Nẵng, Qua số máy, 09xxxxxx mà một “khách quen” thường đi cho, chúng tôi liên hệ tài xế A, điểu khiển xe ô tô 7 chỗ ngồi chuyên chạy “xe ké” tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại. Mặc cho đã có “người quen” giới thiệu nhưng tài xế này vẫn rất cảnh giác với “người lạ”. Chưa lên xe, tài xế này đã “vặn” đủ điều và cũng tỏ ra tương đối lo lắng. Lấy lý do bận việc, chúng tôi xuống xe để tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu về loại hình vận tải “chui” này.  

Theo anh Nam, một người thường xuyên đi “xe dù”, ‘xe ké” cho biết: Cánh tài xế đi “chui” rất sợ lực lượng chức năng phát hiện nhưng vì lợi nhuận cao nên họ bất chấp pháp luật. Xe 7 chỗ, với giá trung bình từ 100 – 120 nghìn đồng/1 người, mỗi ngày chạy 2 chuyến vào – ra, trừ các khoản chi phí, những lái xe này 1 ngày bỏ túi cả triệu đồng. Cũng theo anh Nhân, một người thường đi “xe dù”, ‘xe ké”, mặc dù biết đi xe này là tiếp tay cho vi phạm nhưng chỉ vì những “tiện ích” như đưa đón tận nhà, xe thoáng mát, sạch sẽ, chạy đúng giờ, không dừng “bắt khách” dọc đường… nên đa số “khách hàng” rất “ưa chuộng”. Và những khách quen, khách VIP này cũng trở nên “thuộc bài” để đối phó giùm cho nhà xe mỗi lần cơ quan chức năng kiểm tra. Điều này phần nào lý giải cho việc loại hình này lâu nay tồn tại dai dẳng, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc cho nhiều người, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

Mặt khác, không giống loại hình “xe dù”, ‘xe ké”, hoạt động kinh doanh “chui” ở ngoài, không đóng thuế cho Nhà nước thì nhiều doanh nghiệp chân chính, nhà xe truyền thống phải lo chi tiêu nhiều khoản phí: chi phí bến bãi, thuế,… Mặt khác, do không có lượng khách ổn định vào bến mua vé nên vẫn còn rải rác xuất hiện một số trường hợp các xe truyền thống dừng xe “bắt khách” dọc đường, chạy xe không đảm bảo tốt độ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tạo ra dư luận không tốt về uy tín, chất lượng dịch vụ đem lại, khiến cho nhiều khách hàng chọn “xe dù”, ‘xe ké” thay vì đi xe truyền thống. 

Cần sự đồng bộ, đồng lòng   

Đại tá Lê Văn Vũ – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong thời gian qua, Công an Thừa Thiên Huế đã liên tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc” cũng như xe “chui”, “xe ké”. Đơn vị xây dựng kế hoạch giao cho các đơn vị Công an TP Huế, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt và các đơn vị có liên quan tập trung nắm tình hình, ra quân đồng bộ xử lý các trường hợp vi phạm. 

“Chúng tôi đề nghị cán bộ và nhân dân đồng thuận, đồng lòng, nêu cao ý thức “văn hoá giao thông – văn minh đô thị”, kiên quyết tẩy chay loại hình “xe dù, xe ké” này. Bởi chỉ có như vậy thì loại hình này mới không có “đất” để hoạt động, để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Mặt khác, đơn vị tăng cường phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như lên án hành vi vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông”, Đại tá Vũ cho hay.

Một điều dễ nhận thấy, do tâm lý đối phó, sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nên khi điều khiển phương tiện này, tài xế luôn có tâm lý bất an, lo lắng. Đây là điều hết sức nguy hiểm cho chính cả lái xe và hành khách tham gia giao thông. Đây cũng là lời cảnh báo cho mọi người khi “ưa thích” đi loại hình xe này. Bởi ẩn hoạ tai nạn giao thông luôn thường trực trên mỗi tuyến đường dù không ai mong muốn điều này xảy ra.

Theo Đại uý Phan Bảo Trung – Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc – thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh thông tin: Qua thực tiễn cho thấy, với các biện pháp nghiệp vụ và chỉ cần hành khách đi trên xe không “tiếp tay” thì rất dễ phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm này. Và mong người dân đi loại hình xe này, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng thuận trong việc xử lý của cơ quan chức năng, bởi việc làm này chính là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của chính mọi người.   

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an Thừa Thiên Huế đã kiểm tra lập biên bản 23 nghìn trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước gần 17 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 3.800 trường hợp. Trong đó, đã xử phạt … trường hợp “xe dù, xe ké”, …vv. 

Bên cạnh đó, đơn vị đã phát hiện 15 xe đục lại số khung, số máy chuyển cơ quan điều tra để làm rõ. Qua công tác này đã phát hiện 37 vụ việc liên quan đến kinh tế, môi trường, gian lận thương mại và các vụ việc liên quan đến trật tự xã hội, ma tuý,… chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. 

Đọc thêm