Khi ăn cắp trí tuệ trở thành một “dạng văn hoá”?

(PLO) - Ăn cắp, dù ăn cắp gì thì cũng đều trở thành một hành động hạ đẳng thấp hèn. Ăn cắp trí tuệ ở ta đã thành một thói quen khó sửa. Nói nó là văn hoá thì tội cho khái niệm này, bởi văn hoá là sự vận động chuyển mình đế hướng đến cái đẹp. Trí tuệ là một cái đẹp nên ăn cắp trí tuệ hay được ngụy biện là để tạo ra một sản phẩm trí tuệ khác, vậy nên nhiều người hồn nhiên nghĩ đây là một dạng ăn cắp... “sang chảnh”.
Khi ăn cắp trí tuệ  trở thành một “dạng văn hoá”?

Điều tệ hại nhất là ăn cắp trí tuệ thường xảy ra ở những đối tượng được đào tạo và học hành bài bản, nghĩa là những người ít nhiều... có trí tuệ. Ở đây cần phân biệt,  dạng “cố ý cầm nhầm” vì dốt, hành vi này không thể chấp nhận được. Còn nếu tử tế thì trích dẫn và ghi rõ nguồn, kể cả với các tài liệu thứ cấp, dạng này là vay mượn văn minh và được phép. Ăn cắp trí tuệ đang trở thành căn bệnh trầm kha trong giới có nhận thức rõ ràng bản quyền là một thứ được pháp luật bảo vệ và không phải cứ thích là lấy về và nhận vơ là... của mình. Nhục là cái của mình cầm nhầm ấy khi bị phát hiện tẽn tò đi xin lỗi.

Luận án, luận văn, khoá luận đều đã ghi nhận rất nhiều trường hợp đi ăn cắp. Hãi hơn là có những luận án về Phật học, cá nhân người nghiên cứu đi tu, có chức sắc trong giới tôn giáo còn đạo trí tuệ thì những giới khác cầm nhầm tri thức không có gì là lạ.

Mới đây và cũng thật nực cười là chuyện đạo... bản đồ. Bản đồ ga đường sắt Cát Linh Hà Đông được Ban quản lý “nhặt” trên mạng về để giới thiệu cho dân tham quan. Bản đồ này không phải do tổng thầu Trung Quốc vẽ mà do một sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân vẽ ra rồi đưa lên mạng. Chính sinh viên này đi tham quan phát hiện ra đây là sản phẩm trí tuệ của mình, nó vẫn chưa hoàn thiện và chỉnh sửa lại vì vẫn có một số điểm sai. Vậy nhưng bản quản lý dự án thích thì cứ lấy về xài thôi... mà không cần biết nó là của ai!

Trí tuệ là thứ không hề rẻ rúng, nó được chắt ra từ bao năm tháng nghiên cứu miệt mài, bao thời gian học tập, tổng kết thực tiễn và quá trình đó người ta phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vậy nên những sản phẩm đó khi công bố, ai muốn xài lại hoặc phải mua hoặc xin và nhất thiết phải có sự đồng ý của tác giả thì mới được sử dụng. 

Từ câu chuyện xửa xưa đến chuyện tấm bản đồ của một công trình lớn cho thấy trí tuệ đang bị rẻ rúng và ý thức trân trọng trí tuệ đang là một thứ gì đó xa xỉ ở ta. Và chính sự thiếu tử tế này làm cho chúng ta hoài nghi về sự liêm chính trí tuệ, vốn là thứ không thể thiếu trong giới trí thức, học thuật và tất cả những ai sử dụng đến các tác phẩm, sản phẩm... mang tính trí tuệ.

Pháp luật có, nhưng hơn cả đó là sự liêm chính và sự tự trọng và văn hoá ứng xử với sản phẩm trí tuệ. Đừng để phải tẽn tò, nhục nhã khi biến mình thành một kẻ ăn cắp khi bị phát hiện. Ăn cắp trí tuệ để dùng trong bất kỳ đâu, việc gì thì cái nhục sớm muộn cũng sẽ tự chuốc về mình. Một trong nỗi nhục ấy chính là danh dự. Nhiều thứ mất rất khó để lấy lại và danh dự chính là một trong những thứ quý giá ấy, nhất là những ai đang trót nhận lấy hai chữ trí thức về mình…

Đọc thêm