Kinh Môn, Hải Dương: Xưởng gỗ trái phép bao giờ xử lý dứt điểm?

(PLO) - Báo PLVN số ra ngày 28/11/2018 đã có bài viết phản ảnh Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ông Tô Mạnh Tường (trú tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) không chỉ hoạt động trái phép mà còn “tra tấn” người dân bằng bụi gỗ, mùi sơn, tiếng ồn… trong suốt 1 năm qua. 
Xưởng gỗ trái phép của ông Tường
Xưởng gỗ trái phép của ông Tường

Người dân kiến nghị và cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay không chuyển biến khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như sức khỏe của các hộ dân xung quanh.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo PLVN mới đây, ông Nguyễn Văn Đảo - Trưởng phòng TN&MT huyện Kinh Môn cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã phối hợp với UBND xã Hiệp Sơn mời ông Tường làm việc nhiều lần nhưng ông này đều vắng mặt. Ngày 6/12/2018, Phòng phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra đột xuất, chủ xưởng cho biết xưởng hoạt động từ tháng 7/2017 trên diện tích thuê khoảng 80m2 để chế biến gỗ.

Thời điểm kiểm tra, xưởng đang hoạt động trên diện tích khoảng 90m2 được xây tường bao cao khoảng 1,2m, hai mặt quây thêm tôn. Riêng mặt tiếp giáp với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thăng chỉ dựng khung nhôm, dựa vào tường nhà ông Thăng và xây lấn chiếm trên diện tích quy hoạch mương rộng 2m được lợp mái tôn nền bê tông. Xưởng hoạt động từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (đôi khi nhiều việc có thể làm từ 5 giờ sáng đến 21 giờ).

Ông Tường cho rằng mượn mặt bằng của một người tên Năng nhưng không chứng minh được. Các thủ tục pháp lý về môi trường ông Tường cũng không có và cơ sở chưa thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý, giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…

“Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Tường phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và các biện pháp quản lý, giảm thiểu chất thải, tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất; đồng thời đề nghị UBND xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận tại biên bản làm việc này của ông Tường, báo cáo về huyện. Đối với phần diện tích xây dựng trái phép yêu cầu ông Tường phải thực hiện tháo dỡ, đồng thời ký cam kết thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường”, ông Đảo nói.

Được biết ngày 13/12/2018, UBND xã Hiệp Sơn đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tường 4.250.000đ cho các hành vi vi phạm như: sản xuất đồ mộc dân dụng không có hệ thống xử lý khí thải, bụi thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định… 

Tuy nhiên, một số người dân cho biết, dù bị xử phạt như vậy nhưng đến nay xưởng gỗ của ông Tường vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng và dường như phía chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. “Phải chăng cơ quan chức năng bất lực?”, một người dân hoài nghi.

“Ai cũng có quyền được kinh doanh, sản xuất để đảm bảo cuộc sống, ông Tường cũng vậy nhưng chúng tôi rất mong ông Tường hãy là người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, có biện pháp nào đó giảm thiểu được tiếng ồn từ máy móc để bà con có thể yên tâm sinh sống, làm việc. Nếu ông Tường cứ tiếp tục hoạt động thiếu ý thức như vậy sẽ càng làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe người dân xung quanh, cũng như môi trường bị đe dọa”, một người dân chia sẻ.

Liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu thủ tục pháp lý của xưởng gỗ của ông Tường, thì Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn luôn né tránh với lý do “Phó Chủ tịch xã cầm giấy tờ” hay “Cán bộ địa chính hiện đang nghỉ đẻ” dù đã hẹn sẽ cung cấp cho phóng viên. Thậm chí còn “mời” phóng viên về làm việc vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật? 

Đọc thêm