Làm du lịch, bao giờ hết tâm lý “kinh doanh ngắn hạn”?

(PLVN) - Chèn ép, chèo kéo, thái độ thiếu chuyên nghiệp với du khách, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Thủ đô mới chỉ nghĩ tới lợi nhuận, chưa có sự đầu tư thương hiệu, thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình.
Văn hóa dịch vụ tệ hại gây ảnh hưởng tới du lịch Việt về lâu dài
Văn hóa dịch vụ tệ hại gây ảnh hưởng tới du lịch Việt về lâu dài

Vẫn còn lối ứng xử kiểu “không cần khách”

Đến Hà Nội, không còn lạ lùng với thái độ phục vụ suồng sã, thẳng thắn của không ít chủ kinh doanh ẩm thực. Nổi tiếng trên kênh truyền hình CNN là món “bún chửi” – được đầu bếp Anthony Bourdain trải nghiệm và ghi hình. Bên cạnh ý kiến thích thú, nhiều người cho rằng “bún chửi” làm mất đi hình ảnh thân thiện, hiếu khách của người Việt và khiến du khách đặt câu hỏi: Phải chăng nó là một “nét văn hóa” Hà Nội liên quan đến ẩm thực?

Ngoài “bún chửi”, các cơ sở kinh doanh ăn uống tương tự còn tồn tại rất nhiều. Việc gắt gỏng, thiếu nhiệt tình với khách tưởng chừng chỉ xảy ra ở quán ăn bình dân, tuy nhiên, các nhà hàng tầm trung, sang trọng cũng diễn ra tình trạng này.

Với ẩm thực đường phố, du khách thường sẽ phải chấp nhận ngồi ăn ở hàng quán không sạch sẽ, thái độ lườm nguýt, mắng chửi từ nhân viên. Với các phân khúc cao hơn, có trường hợp phải chuẩn bị tâm lý trước sự phục vụ thờ ơ, thái độ phân biệt đối xử khi không chi tiêu “mạnh tay”. 

Anh Thế Vinh, du khách quê Quảng Ninh chia sẻ: “Với một số nhà hàng tại Hà Nội, tôi không dám hỏi kĩ về món ăn, bởi nhiều nhân viên ngại giải thích cho khách bằng cách chỉ trả lời qua loa cho xong. Cũng có người tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Điều đó rất bất tiện khi tôi tiếp đãi đối tác nước ngoài, gia đình”. 

Khi tới các nước lân cận như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động kinh doanh du lịch diễn ra bài bản, khiến khách cảm thấy vui vẻ khi chi tiền. Các cơ chế thưởng – phạt với người kinh doanh, phục vụ rất rõ ràng. Ở Thái Lan, nếu không cười với khách thì sẽ bị cảnh sát du lịch xử phạt hành chính. Ở Singapore các hành vi “boa” tiền cho nhân viên, xả rác nơi công cộng, nhai kẹo cao su,… đều phạt tiền lên tới vài nghìn SDG nếu vi phạm. 

Thực tế, để tạo ra những cơ sở kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ, đồng bộ chất lượng là điều còn khó khăn. Do tâm lý manh mún, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, nhiều chủ cửa hàng vẫn vận hành theo kiểu “không cần khách”, tạo thành “hạt sạn” ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của nền du lịch Việt Nam.

Liệu du khách có muốn quay lại một nơi taxi, xe ôm chặt chém, bán hàng rong chèo kéo, quán ăn, nhà hàng giá trên trời, tư tưởng bán một lần rồi thôi? Câu hỏi trên đặt ra những giải pháp thiết thực để khắc phục, giải quyết.

Cần xây dựng văn minh du lịch 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch; phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”.

Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình nâng cao hình ảnh du khách Việt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch năm 2017 với nhiều quy định mang tính chuẩn mực, định hướng cho các đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Hàng loạt cuộc tọa đàm về nâng cao hình ảnh người Việt được triển khai nhằm tìm hướng đi, giải pháp nhưng rõ ràng, còn chưa giải quyết triệt để tâm lý ngắn hạn của cơ sở kinh doanh. 

Trả lời báo chí, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết, ứng xử văn minh trong du lịch đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam. Bởi lối ứng xử của người Việt Nam đối với du khách nước ngoài thể hiện rất nhiều hình ảnh của đất nước.

Thiết nghĩ, việc cụ thể hóa hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trong du lịch cần cụ thể hóa bằng văn bản, nghị định, tạo nên sức răn đe nhất định cho các cơ sở kinh doanh ăn uống. Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố nguồn nhân lực am hiểu thực sự về ngành du lịch, có chuyên môn, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Bởi nếu một lần không làm vừa lòng khách thì rất khó có cơ hội sửa chữa. 

Mặt khác để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, đưa ra các sản phẩm du lịch mới… chúng ta cũng cần tập trung nhấn mạnh thái độ thân thiện, mến khách, làm người dân nhận thức lợi ích từ đó. Khi mà mỗi doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch ý thức được việc phải ứng xử, kiếm tiền một cách văn minh, lịch sự với du khách, chắc chắn rằng ấn tượng của du khách đối với Việt Nam sẽ thiện cảm hơn nhiều.

Đọc thêm