Oái ăm, bỏ xe ở gara sau 13 năm quay lại “bắt đền”

(PLVN) - Liên quan đến vụ chiếc xe ô tô Nissan đời 1982 “nằm vạ” tại một gara ô tô ở Hà Nội suốt 13 năm vừa bị chủ gara đem đi bán “đồng nát” thì chủ xe bất ngờ xuất hiện đòi bồi thường 100 triệu đồng, Pháp luật Việt Nam có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) về những vướng mắc pháp lý thú vị từ giao dịch dân sự này.   
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy

Xin luật sư cho biết trên thực tế nếu xảy ra trường hợp chủ xe cố tình “bỏ quên” phương tiện tại các bãi xe, gara ô tô thì pháp luật quy định hướng giải quyết như thế nào? 

- Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy: Những trường hợp tương tự trên, trong thực tế không phải là hiếm gặp; không loại trừ trong số đó có những chiếc xe gian, hoặc xe quá đát bị người gửi cố tình “mang con bỏ chợ”. 

Thông thường, nếu có xe “nằm vạ” quá lâu mà không xác định được nguyên nhân, không liên hệ được với chủ xe, chủ gara cần thông báo cho cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương để tìm kiếm chủ xe. Ô tô, xe máy là tài sản bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu nên việc tìm kiếm chủ xe không quá khó, kể cả trường hợp chiếc xe đã đổi chủ mới.  

Khi đã làm thủ tục thông báo theo luật định mà vẫn không xác định được chủ xe hoặc chủ sở hữu không đến nhận tài sản thì áp dụng theo Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau: 

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, chủ gara có thể giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất tài sản bị bỏ quên để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Theo điều 230 kể trên, sau 1 năm, nếu chủ tài sản vẫn không đến nhận thì người nhặt được tài sản này có thể được sở hữu 50-100% chính tài sản đó. 

Trường hợp chủ gara không làm thủ tục thông báo đến cơ quan có thẩm quyền mà tự ý thanh lý chiếc xe có được không, thưa luật sư? 

- Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy: Tôi cho rằng việc tự đem chiếc xe không phải của mình đi thanh lý không phải là cách hay nếu không nói là cách làm này sẽ gây bất lợi cho chủ gara. Vì căn cứ theo quy định tại Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 về Nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau: “1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn. Nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.” 

Căn cứ theo quy định trên thì bên nhận giữ tài sản là phải có trách nhiệm bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm mà không được miễn trừ nếu vi phạm hợp đồng. Hợp đồng gửi giữ tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản.

Cũng theo quy định tại Bộ luật Dân sự quy định về Quyền của bên gửi tài sản là yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý. Bên cạnh đó cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Khi chủ tài sản cố tình không quay lại lấy xe, vậy chủ gara có thể kiện chủ phương tiện về việc chậm trễ không đến lấy chiếc xe “nằm vạ” ở gara của mình được không?

- Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy: Trước hết ta phải xem xét hợp đồng giữa hai bên thỏa thuận thực hiện trong thời gian bao lâu, nghĩa vụ của các bên như thế nào, hai bên có thỏa thuận nào khác hay không? Dù có hợp đồng bằng văn bản hay chỉ là thỏa thuận miệng thì cũng đều phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa hai bên. Căn cứ vào hợp đồng để xác định xem bên nào có lỗi, bên nào vi phạm để quy kết trách nhiệm…   

Về nguyên tắc thì khi chủ xe chây ì không đến lấy xe thì chủ gara có thể khởi kiện, nhưng để khởi kiện được trên thực tế sẽ có rất nhiều vướng mắc. Tôi chỉ ra một số vướng mắc cơ bản như thế này: theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì chủ gara sẽ gửi đơn khởi kiện ra tòa án nơi bị đơn – tức chủ xe cư trú, mà với trường hợp chỉ biết duy nhất một số điện thoại, trong khi điện thoại đó không liên lạc được thì biết bị đơn cư trú ở đâu mà kiện?

Chưa kể giả sử đã xác định được nơi cư trú theo đăng ký biển số xe nhưng bị đơn sinh sống làm ăn nơi khác, hoặc ra nước ngoài  chữa bệnh thì việc khởi kiện cũng không phải là giải pháp khả thi. 

Trở lại vụ việc chiếc xe “bỏ quên” 13 năm tại một gara ở Hà Nội đã bị chủ xe bán phế liệu được 2,8 triệu đồng, nay chủ xe xuất hiện đòi bồi thường 100 triệu đồng, theo luật sư thì yêu cầu đòi bồi thường này của chủ xe có căn cứ pháp luật để được giải quyết hay không?

- Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy: Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó có điều 557 tôi vừa phân tích, tôi cho rằng chủ xe có cơ sở để yêu cầu được bồi thường giá trị chiếc xe đã bị chủ gara tự ý bán đi. 

Tuy nhiên, mức bồi thường sẽ được tính trên cơ sở thực tế, tương đương với giá trị còn lại của chiếc xe. Theo như báo chí phản ánh, chiếc xe này sản xuất từ năm 1982, đến nay tuổi thọ đã gần 40 năm nên còn ít giá trị, khó có thể là 100 triệu.

Thực tiễn cho thấy, việc định giá những chiếc xe ô tô không quá khó, cho dù xe phơi mưa phơi nắng qua thời gian, gần như không còn giá trị sử dụng, chỉ có thể bán với giá sắt vụn… vì đa số vẫn còn hồ sơ, giấy tờ của cơ quan chủ quản. Trường hợp không có giấy tờ thì có thể dựa vào năm sản xuất, đời xe và có thể sử dụng phương pháp so sánh với xe mới cùng loại và trừ lùi theo giá trị khấu hao tài sản.

Trong vụ việc này, phía chủ xe có quyền yêu cầu đòi bồi thường chiếc xe bị bán, ngược lại, chủ gara cũng có thể yêu cầu chủ xe thanh toán các chi phí trông giữ xe trong suốt 13 năm qua. Trường hợp hai bên không thương lượng được với nhau có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục dân sự. 

Đọc thêm