Phải loại bỏ 'ung nhọt' gian lận thương mại

(PLVN) - Nhiều ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, doanh nghiệp, cơ quan quản lý tại Hội thảo “Gian lận thương mại – Hệ lụy và giải pháp” (do Công ty Truyền thông Quốc tế Hàn - Việt đã tổ chức ở TP HCM ngày 16/1) đã xác định đấu tranh với gian lận thương mại là một “cuộc chiến” khốc liệt, không khoan nhượng. 
Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hàng hóa GLTM
Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hàng hóa GLTM

Mới xử lý được “con số nhỏ”

Về nhận diện gian lận thương mại (GLTM), nhiều ý kiến chỉ rõ, đó là hành vi gian dối, gian lận, dối trá, lừa lọc trong kinh doanh thương mại nhằm mục đích thu lợi bất chính. Hành vi buôn lậu, gian lận “hiện diện” trong  nhiều lĩnh vực, cả hải quan, thuế, phí và lệ phí, quản lý giá, kế toán, kinh doanh bảo hiểm, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn… 

Đánh giá chung, TS Đinh Hoàng Thắng, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển Việt Nam (VIDS) cho biết, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng khiến tình trạng buôn bán, tiêu thụ vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp. Vi phạm tập trung ở nhóm các mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, rượu, thuốc là, bánh kẹo… 

Một số hàng hoá có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

Tuy lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do hàng hoá có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận song đây chỉ là con số nhỏ so với vi phạm thực tế. 

Không để GLTM “giết chết” DN chân chính

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống GLTM dưới mọi hình thức vì những thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng là rất đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng. Thậm chí những loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương vào cuối năm 2018, tình hình GLTM vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng: tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện...

Đặc biệt, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn phức tạp: tình hình kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ người tiêu dùng.

“Nó (GLTM, hàng giả, hàng kém chất lượng – PV) lũng đoạn thị trường, “giết chết” những DN làm ăn chân chính, không chỉ sản xuất trong nước mà còn đối với những DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Những việc GLTM như thế không thể chấp nhận, không thể tồn tại ngang nhiên và tràn lan trên thị trường. Đề nghị các ngành chức năng, các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật nghiêm trị, cắt bỏ ung nhọt” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị. 

Để ngăn chặn tình trạng GLTM, TS Đinh Hoàng Thắng cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cũng như các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân cần cung cấp thông tin để cơ quan quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nhanh thông tin GLTM.

Cạnh đó, khi mua sắm, người tiêu dùng cần chọn sản phẩm có ghi nguồn gốc rõ ràng, thông tin kỹ thuật, thời hạn sử dụng, trọng lượng đầy đủ. Nếu những sản phẩm đã có mã truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã để kiểm tra. Cạnh đó, với những doanh nghiệp có sai phạm, cần xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức liên quan.

LS Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP HCM) góp ý, ngoài việc ngày càng hoàn thiện về mặt pháp luật để chống, xử lý hành vi GLTM, người dân, doanh nghiệp khi bị GLTM cần yêu cầu Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bảo vệ quyền lợi cho mình. Các bên cũng có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hoặc họ cũng có thể tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý theo pháp luật hình sự.

Đồng Tháp giảm 15,4% buôn lậu, GLTM và hàng giả giảm 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ gần 2.100 vụ buôn lậu GLTM và hàng giả với hơn 1.100 đối tượng vi phạm, giảm 15,4% so với năm 2017. Được biết, tình hình buôn lậu tại Đồng Tháp có tính chất nhỏ, lẻ chủ yếu là đường cát, thuốc lá và không để hình thành đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu.

Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp, có khả năng xuất hiện những hành vi, phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Theo đó, ông Phúc yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Nâng cao nhận thức quần chúng nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và GLTM.

Đình Thương

Đọc thêm