Tăng giá điện, EVN thu rồi lại… chi hết

(PLVN) - Theo tính toán, sau khi Bộ Công Thương có quyết định tăng giá bán lẻ điện từ ngày 20/3/2019, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thu thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được chi tiêu như thế nào? 
Tăng giá điện nhưng theo EVN khoản thu thêm sẽ lại chi hết
Tăng giá điện nhưng theo EVN khoản thu thêm sẽ lại chi hết

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã tính toán đầy đủ các thành phần kinh tế cũng như người dân sẽ phải chi trả thêm bao nhiêu sau khi chính thức tăng giá điện 8,36%. 

Theo tính toán này, tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh là 7.000 đồng; Tương tự, những người dùng dưới 100 kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng, dưới 200 kWh sẽ phải chi thêm 31.000 đồng, dưới 300 kWh sẽ phải tiêu tốn thêm tiền điện 53.100 đồng và dùng đến 400 kWh sẽ phải chi tiêu thêm từ 77.200 đồng. Trong khi đó, số lượng khách hàng dùng dưới 100 kWh chiếm đông nhất, lên tới 35,6% và số lượng khách hàng dùng trên 300 kWh chỉ chiếm 15%. 

Ông Tuấn cũng cho biết, với hơn 443 nghìn khách hàng kinh doanh, Cục đã tính toán, bình quân, mỗi hộ kinh doanh sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng mỗi tháng sau khi giá điện tăng. Với hơn 1,4 triệu hộ sản xuất sẽ phải trả thêm khoảng 12,39 triệu đồng/tháng, tương đương mỗi hộ phải chi trả thêm khoảng 869.000 đồng/tháng. 

Riêng đối với các khách hàng sử dụng nhiều điện, Cục đã nghiên cứu tính toán dựa trên số liệu của 40 doanh nghiệp sắt thép - là những đối tượng tiêu tốn nhiều điện nhất thì kết quả cho thấy doanh nghiệp xi măng phải chi thêm từ trên 13 triệu đồng/tháng, cá biệt có đơn vị sử dụng nhiều điện sẽ phải chi trả tới 95 triệu đồng/tháng. Còn với các công ty sản xuất thép, thống kê trung bình cho thấy, mỗi đơn vị sẽ phải chi thêm 50 triệu đồng/tháng. 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo biểu giá điện mới, EVN sẽ thu thêm được khoảng 20.000 tỷ đồng. Số tiền thu thêm được này dự kiến sẽ chi trả cho các loại chi phí đầu vào mà EVN vẫn nợ các đối tác. Cụ thể, EVN sẽ phải chi trả cho ngành than 7.000 tỷ đồng, cho  các DN khí 6.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá ngoài EVN (dành cho các đối tác đầu tư điện) khoảng 3.800 tỷ đồng; Ngoài ra còn chi trả quyền khai thác tài nguyên nước, các loại đầu vào chênh lệch khác… 

Ông Tuấn nói thêm, về giá khí cung cấp cho ngành điện trước đây chia làm 2 loại là khí trong bao tiêu (mua theo giá đã chốt trong hợp đồng) và khí ngoài bao tiêu (mua theo giá thị trường) nhưng từ ngày 20/3/2019, giá khí cung cấp cho ngành điện sẽ được mua theo giá thị trường, do đó số tiền chênh lệch đầu vào dùng khí sản xuất điện sẽ tăng. 

Riêng về khoản chênh lệch tỷ giá (hơn 10.000 tỷ đồng) đã “treo” từ năm 2017, ông Tri cho biết “EVN không thể chủ động khoản này do đây là rủi ro tỷ giá ngoại tệ do thị trường quyết định”. Tuy nhiên, trong khoản chênh lệch này, EVN đã tự bù được 4.500 tỷ đồng sau khi kinh doanh có lãi, do đó, giá điện bình quân năm 2019 sẽ không phải gánh khoản chênh lệch 4.500 tỷ đồng này. Còn lại, vẫn phải chi trả khoản chênh lệch tỷ giá cho các đơn vị đầu tư ngoài EVN. 

Ông Tri lý giải thêm, khoản chênh lệch tỷ giá này bắt nguồn từ việc vay vốn đầu tư sản xuất bằng ngoại tệ. Các nhà đầu tư ngoài EVN cũng sẽ được cho phép vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và khi thanh toán tiền điện, số chênh lệch tỷ giá phát sinh cũng được thanh toán cho họ. Đây là điều bắt buộc phải làm vì nếu không sẽ không có nhà đầu tư nào chịu đầu tư vào ngành điện, nhất là trong 10 năm tới, EVN sẽ chỉ đầu tư khoảng 30% cho các nhà máy điện mới. 

Đọc thêm