Trong “tâm bão” dịch tả lợn Châu Phi: Làm gì để người dân không quay lưng với thịt lợn?

(PLVN) - Ngoài chính sách tăng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy thì vấn đề kiểm soát ATTP trong thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi được cho là vấn đề “then chốt” để người dân không quay lưng với thịt lợn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người tiêu dùng lo ngại?

Là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, kể từ ngày công bố dịch tả lợn Châu Phi Công ty TNHH Tâm Lộc, TP. Hà Tĩnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi thị trường thịt lợn đang có những biến động lớn. Ông Trần Hữu Cần, Giám đốc Cty TNHH Tâm Lộc cho biết: Kể từ ngày công bố dịch tả lợn giá lợn hơi giảm từ 48-50 ngàn đồng/kg xuống còn 33 ngàn đồng/kg.  

Nếu như trước đây các thương lái mua của DN này mỗi ngày 40-50 con thì cả tháng nay chỉ tầm 10-15 con, biểu cân trước đây 100 kg thì bây giờ chỉ còn khoảng 70-80kg vì ế không bán được.  Dù chưa có dịch ở Hà Tĩnh, vài tuần nay Cty hầu như không bán dược con lợn nào cho thị trường nội tỉnh”- ông Cần cho hay.

Điều đáng lo ngại là đến thời điểm hiện nay, người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với sản phẩm thịt lợn. Và điều này đã đang sẽ ảnh hưởng gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi cũng như các DN đang đầu tư vào lĩnh vực này. Lo ngại tình trạng bán đổ, bán tháo gây thiệt hại lớn khiến cho Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh, không hoang mang, không nên quay lưng với thịt lợn. Lãnh đạo Bộ này kêu gọi người dân sử dụng bình thường và trấn an tất cả các ổ dịch bùng phát, đã tiêu hủy, khoanh vùng và khống chế.

Theo nhiều DN, dịch tả lợn tuy được khẳng định là không lây sang người nhưng sức tiêu thụ sản phẩm vẫn đang có xu hướng giảm mạnh là do tâm lý người tiêu dùng đang bị đè nặng, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang còn những diễn biến phức tạp. Đi kèm với đó là công tác kiểm soát ATTP chưa hiệu quả cũng được cho là lý do quan trọng khiến cho người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn.   

Cần đẩy mạnh kiểm soát ATTP

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi việc Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy từ 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường lên 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái được đánh giá là cần thiết để giúp người chăn nuôi an tâm, chuẩn bị đầy đủ tâm lý để đối mặt với dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngoài chính sách tăng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy thì vấn đề kiểm soát ATTP trong thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi được cho là vấn đề “then chốt” để người dân không quay lưng với thịt lợn. Ông Trần Hữu Cần, Giám đốc Cty TNHH Tâm Lộc cho rằng: quản lý an toàn vệ sinh ATTP lỏng lẻo đang là nỗi ám ảnh đối với người dân. Vụ ăn thịt lợn bẩn bị nhiễm sán ở Bắc Ninh vừa rồi là một ví dụ điển hình cho nổi sợ hãi đó. 

“Quy trình kiểm định ATTP đang có vấn đề, con người kiểm tra cũng đang có vấn đề. Nếu dân có niềm tin vào dấu kiểm dịch thì cho dù các thông tin về bệnh dịch thế nào thì người dân vẫn dùng. Vấn đề là họ không tin, trong khi những hộ chăn nuôi, những DN chăn nuôi đang cần niềm tin từ người tiêu dùng” - Giám đốc Cty TNHH Tâm Lộc nói.

Chủ DN chăn nuôi này cũng nói rằng, trên thực tế để làm tốt và đúng pháp luật vấn đề này cần phải mất nhiều năm nhưng không vì thế mà không làm. Chỉ khi cơ sở xuất bán lợn phải được test kiểm tra dư lượng kháng sinh, các bệnh nguy hiểm... mới cho xuất bán thì mới mong người dân yên tâm.

“Với thực tế chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay, cung cách kiểm soát ATTP hiện này thì chưa thể nhận được niềm tin từ người tiêu dùng Nhưng nếu không bắt tay làm thì biết bao giờ mới thay đổi được”- ông Cần nêu quan điểm.

Thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, tính đến ngày 16/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 253 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con. Bộ này nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút bệnh ở mọi loại lợn (lợn nuôi, kể cả lợn cảnh và lợn rừng); lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị và bệnh không lây sang người.

Đọc thêm