Công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng “đất Chín Rồng”

(PLO) - Ngày 23/3, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong khu vực. 
Công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc - Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2. Dự báo đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18-19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 35-40% với tốc độ tăng bình quân 2,4-3,3%/năm. 

Theo đó, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

Về định hướng phát triển công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như: sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản… Khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được như: năng lượng gió, mặt trời...

Ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030, trong đó tăng cường các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, với tổng diện tích các khu công nghiệp tập trung là 15.000 - 17.000ha, có thể đạt đến 20.000 - 24.000ha sau năm 2030. Đồng thời, hạn chế mở rộng phát triển thêm các khu công nghiệp khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao tại các khu công nghiệp hiện hữu; cũng như rà soát, đánh giá lại các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả; hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo, trong đó, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử. Các đô thị Cần Thơ, Phú Quốc và Mỹ Tho là trung tâm du lịch của toàn vùng; trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm của không gian du lịch phía Tây, gồm các tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Phát triển du lịch tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch sinh thái; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội...

Giải pháp tổng thể, ĐBSCL hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền – sông Hậu, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau và ven biển Đông. Về cấu trúc không gian, ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng gồm tiểu vùng ngập sâu, tiểu vùng giữa đồng bằng và tiểu vùng ven biển… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Trong những năm qua, ĐBSCL nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư phát triển, các địa phương cũng xây dựng quy hoạch và triển khai các dự án, chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn vùng.  

Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện, đến nay trong khu vực ĐBSCL đã xuất hiện nhiều yếu tố mới về phát triển kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế trong liên kết vùng, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực kinh tế khó khăn, vấn đề môi trường… đã làm cho công tác quy hoạch và phát triển vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập.

Trong bối cảnh phát triển mới để đáp ứng các yêu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/1/2018. Theo đó, sự phát triển của ĐBSCL không chỉ có ý nghĩa đối với các tỉnh trong vùng mà còn đối với quốc gia, đồng bằng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Đọc thêm