Đầu tư FDI trong ngành bất động sản tại Việt Nam: Những điểm nhấn pháp lý cần quan tâm

(PLO) - Là chủ đề cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Cuộc thi viết vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” và chào mừng kỷ niệm 30 năm FDI tại Việt Nam do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hôm 23/9 tại TP HCM.
Ông Vũ Hoàng Diệp phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Vũ Hoàng Diệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự hội thảo có Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoàng Diệp; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM Lê Hoàng Châu; ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và hơn 50 CEO – Đại diện cho các DN, cùng các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, các cơ quan thông tấn báo chí. 

Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh theo từng năm

Hội thảo có 4 chủ đề gồm: Pháp lý chung về dự án BĐS trong hoạt động đầu tư FDI tại Việt Nam; Đầu tư vốn, huy động vốn và cơ chế tài chính của các DN FDI trong ngành BĐS tại Việt Nam; Các trở ngại chung thường gặp của DN FDI trong hoạt động đầu tư BĐS tại Việt Nam; So sánh sự khác biệt giữa DN/dự án BĐS FDI và DN/dự án BĐS của các nhà đầu tư trong nước. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, cảm ơn các vị đại biểu và DN tham gia Hội thảo và mong nhận được những đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của các DN và luật sư, ông Vũ Hoàng Diệp - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: “Báo Pháp luật Việt Nam vinh dự tổ chức Hội thảo này nhằm chia sẻ, phổ biến những kiến thức pháp luật trong thu hút và phát triển nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS tại Việt Nam”.

Ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đưa ra những nhận định, những tâm tư nguyện vọng của các DN, Việt kiều có nguồn vốn đầu tư FDI cho nước nhà và nhấn mạnh: “Chúng ta nên chọn lọc những nhà đầu tư thật, có vốn thật để đầu tư FDI phát triển ngành BĐS nước nhà. Hiện nay, kiều bào năm châu có khoảng 772.000 DN, nhưng để mở cửa đầu tư thì phải nhờ vào chính sách và pháp luật của Nhà nước”.

Các chuyên gia, luật sư tư vấn, đại diện các DN tham gia Hội thảo
Các chuyên gia, luật sư tư vấn, đại diện các DN tham gia Hội thảo

Chia sẻ về sự đóng góp của vốn FDI cho sự phát triển kinh tế của TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết: “Tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm 2018 vốn FDI đổ vào TP HCM đạt 216 triệu USD. Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng là khu đô thị kiểu mẫu và DN kiểu mẫu có vốn đầu tư FDI thành công và đạt được tiêu chuẩn.

Nhưng trong 5 năm trở lại đây, BĐS đứng thứ 2 sau lĩnh vực công nghệ sản xuất. 8 tháng đầu năm nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS tăng lên đáng kể, đó là chưa kể nguồn vốn kiều hối (10 tỷ đô la). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn FDI đạt 21% cho đầu tư BĐS, tính theo nguồn vốn chuyển ngân chính thức, đây là nguồn lực rất lớn và chủ yếu cho phát triển kinh tế TP HCM”.

Nguyên nhân và giải pháp hỗ trợ DN DFI đầu tư BĐS tại Việt Nam

Có một nghịch lý là giá BĐS so với thu nhập bình quân chênh lệch 20 - 25 lần. Người mua để có thể tạo lập nhà ở cần phải có sự hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn còn khá hạn chế và giới hạn, nhất là đối với quy định cho vay. Như năm 2018 đã cắt giảm 40% hỗ trợ vay, và kể từ ngày 1/1/2019 chỉ được sử dụng hạn chế nguồn hỗ trợ vay. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu về nhà ở, vừa qua, Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị NHNN vẫn giữ trần vốn vay là 45%.

Theo ông Lê Hoàng Châu, sự bất cập trong quá trình chuyển giá xây dựng, rút ruột các công trình… mà Việt Nam thường gặp phải. Chính vì vậy, các DN phải hướng tới chính sách thượng tôn pháp luật, an toàn và ổn định nội bộ để nguồn vốn FDI đầu tư thực chất hơn, hiệu quả hơn và có lợi cho người tiêu dùng. 

Thảo luận về pháp lý chung về dự án BĐS trong hoạt động đầu tư FDI tại Việt Nam, các chuyên gia và luật sư nhấn mạnh và trả lời những thắc mắc cho các DN trong lĩnh vực pháp lý mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Không khí phần thảo luận diễn ra sôi nổi, những ý kiến thắc mắc được trả lời chi tiết và xoáy mạnh vào những quan tâm của DN. Có thể kể đến là vấn đề mua và sở hữu dự án condotel, officetel và các mô hình đặc thù mà DN nước ngoài đầu tư, nhưng làm sao để đảm bảo an toàn. “Một số mô hình mới luật chưa đề cập và chưa theo kịp, tuỳ vào tính chất pháp lý các dự án thì luật sư vận dụng luật dân sự để giao dịch” - Luật sư Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Thái Bình cho rằng: “Với các mô hình mới chỉ khác công năng sử dụng, nhưng loại hình vừa để ở vừa để dùng làm văn phòng thì cơ quan quản lý về xây dựng sẽ cấp phép cho chủ đầu tư nên chúng ta có thể yên tâm về vấn đề đó. Một số cơ quan địa phương có cấp sổ đỏ về loại hình căn hộ khách sạn thì Nhà nước cần phải cân nhắc vấn đề này”.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Hiện condotel và officetel từ năm 2011 đến năm 2015 chưa được cấp giấy chứng nhận. Nhưng một số địa phương có cấp sổ đỏ căn hộ theo hình thức là sở hữu ổn định lâu dài là trái pháp luật. Nhưng chúng ta nghiên cứu kỹ về pháp luật sở hữu đất đai, Nghị định 01/2017 chúng ta có thể được cấp sổ chứng nhận theo vòng đời của dự án hay khu du lịch đó. Hiệp hội đã đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện hỗ trợ quyền sở hữu và mua nhà cho người nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có phương thức cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài cho condotel, officetel...”.

Đọc thêm