Hải Phòng: Băn khoăn về một đồ án điều chỉnh quy hoạch quận Hồng Bàng

(PLVN) - Vừa qua, vào ngày 4/5/2019, tại phường Hoàng Văn Thụ, UBND quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Phương án Điều chỉnh cục bộ khu vực trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025. Mục đích là để thanh toán cho chủ đầu tư dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên nhiều ý kiến người dân chưa đồng thuận.
Quang cảnh buổi họp lấy ý kiến người dân
Quang cảnh buổi họp lấy ý kiến người dân

“Thành phố không có tiền để thanh toán”

Theo đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng về quỹ đất đối ứng BT và một số nội dung khác, việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Hồng Bàng khu vực trụ sở UBND quận cũ từ đất công, đất ở hiện trạng và một phần đất cây xanh sang đất ở hỗn hợp để đảm bảo quỹ đất đối ứng BT trên địa bàn thành phố (Báo Pháp luật Việt Nam ngày 10/4 có bài:  Dự án công trình đa năng ở quận Hồng Bàng: Người dân phản đối vì điều chỉnh tăng chiều cao).

Phương án quy hoạch nằm trên lô đất 2,48ha kế bên Nhà hát thành phố, bao gồm: khu vực trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ, trụ sở Thành Đoàn, trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Nhà hát tháng Tám và một số hộ dân. Khu đất bốn mặt giáp các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Phan Chu Trinh và Đinh Tiên Hoàng. Theo đơn vị tư vấn, riêng một số hộ dân mặt đường Đinh Tiên Hoàng sẽ không nằm trong diện quy hoạch này. 

Để đảm bảo giao thông thông suốt, tránh ùn tắc, khi triển khai xây dựng các công trình trong khu vực “phương án” cũng đề xuất mở rộng đường Phan Chu Trinh từ B = 12m lên 16,5m; đường Lê Đại Hành từ B=12m lên 15m… Vì sao Thành ủy, UBND TP Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của Công ty Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Hoàng Huy). Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Dương Đình Ổn chủ trì Hội nghị này đã phát biểu: “Phải lấy đất để trả cho các dự án BT của Hoàng Huy. Thành phố không có tiền thanh toán”.

Theo tìm hiểu, từ vài năm trước, Hoàng Huy đã được biết đến là công ty hàng đầu trong mảng phân phối ô tô đầu kéo tại Việt Nam với 80% thị phần. Tuy nhiên do thị phần mảng ô tô đầu kéo đã ở mức cao, dư địa tăng trưởng doanh số là khá hạn chế, công ty bắt đầu chuyển hướng sang mảng bất động sản và tập trung tại Hải Phòng. Đến nay, Hoàng Huy đã ký kết 2 hợp đồng BT tại Hải Phòng gồm dự án xây dựng chung cư mới Đồng Quốc Bình và cải tạo chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi để đổi lại các lô đất tại Hải Phòng có quy mô hơn 100ha.

Hiện tại doanh nghiệp này đã hoàn thành dự án BT Lê Lợi và đang chờ quyết toán còn tại dự án Đồng Quốc Bình, Hoàng Huy đã xây dựng hai tòa HH3 và HH4 đến tầng 20/29 tầng và nhiều dự án khác, thậm chí vươn đến Hà Nội. Theo các chuyên gia, các dự án của Hoàng Huy đều là “đất sạch” thuộc trung tâm Hải Phòng và có giá đất rẻ nhờ hoán đổi từ các hợp đồng BT. Đây là lợi thế lớn của công ty này.

Người dân không đồng tình

Trước khi những người bị ảnh hưởng bởi “phương án điều chỉnh” Lô H2.6 được phát biểu, đơn vị tư vấn báo cáo về nội dung chi tiết của “phương án” này. Theo Quyết định 1302/QĐ-UBND ngày 24/6/2014, phần diện tích đất ở hiện trạng (HT7) có diện tích là 0,16ha; đất ở công cộng (CCQ2) có diện tích 0,43ha; đất cây xanh TDTT (CXQ1) có diện tích 0,47ha. Tuy nhiên, theo phương án điều chỉnh quy hoạch kỳ này thì các phần diện tích đất trên đều bị cắt bỏ và các phần đất ở hiện trạng (HT6, HT8), đất công cộng (CC5) bị điều chỉnh giảm diện tích để nhường chỗ cho “đất ở hỗn hợp” với diện tích là 1,26ha, tầng cao tối đa là 72 tầng.

Chủ tịch quận Hồng Bàng dẫn ra Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hải Phòng và cho rằng: Quận phải có công trình điểm nhấn của Công ty Hoàng Huy. Công sở cũ của UBND quận có thể bán, nhưng luật pháp không cho phép lấy đất người dân đang ở hợp pháp để “đổi” cho doanh nghiệp làm dự án BT. Nhiều ý kiến lưu ý, 3 tòa nhà là trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở (theo thiết kế dự kiến) trên khu đất của Công ty Hoàng Huy nếu được thực hiện chỉ cách tường Nhà hát thành phố Hải Phòng – Di tích Văn hóa lịch sử được xếp hạng quốc gia chỉ 100m.

Hầu hết các ý kiến phát biểu của dân đồng tình với chủ trương của Bộ Chính trị xây dựng Hải Phòng (Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019); tuy nhiên nhiều người không đồng ý với việc xây dựng khu nhà ở 72 tầng ngay nội đô, ngay cạnh Nhà hát thành phố. Cũng theo người dân phản ảnh, mặc dù là cuộc họp lấy ý kiến người dân nhưng được tổ chức sơ sài, không có ai ghi biên bản và chỉ có 36/100 người dự họp bỏ phiếu, trong đó có 26 phiếu không đồng ý.

Đọc thêm