Tham nhũng vẫn còn “đất” hoành hành…

(PLO) - Đất đai là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đang có hơn 55% doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất  đai và tỷ lệ đó tăng lên theo từng năm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: “Nếu không cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai thì chỉ nhà đầu tư biết “chạy” mới tiếp cận được”
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: “Nếu không cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai thì chỉ nhà đầu tư biết “chạy” mới tiếp cận được”
Tại Hội nghị Đối thoại DN năm 2014 về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TNMT) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TN&MT tổ chức sáng qua - 25/6), Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các vấn đề trong lĩnh vực TNMT, nhất là về đất đai, đều rất “nóng”, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, DN. 
Mặc dù Bộ TN&MT đã nỗ lực thực hiện cải cách TTHC với việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung 204 TTHC (92,23%), cắt giảm được trên 50% chi phí tuân thủ TTHC, nhưng với việc vẫn có đến 30,8% DN phải “trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai” cho thấy, kết quả cải cách TTHC còn có khoảng cách khá xa với yêu cầu, còn gây tốn kém, phiền hà, bức xúc cho người dân, DN; thậm chí, vẫn là “mảnh đất” cho tệ quan liêu, tham nhũng và cửa quyền trong quá trình thực hiện các TTHC về đất đai. 
Càng cắt giảm, TTHC càng phát sinh hàng ngày, hàng giờ
Trong điều kiện tốc độ phát triển DN còn hạn chế, trung bình cứ 200 người dân mới có 1 DN, trong đó 97% DN là DN vừa và nhỏ nên khó cạnh tranh nên những vướng mắc về TTHC là rào cản rất lớn cho sự phát triển của DN thời gian qua. Mặc dù nỗ lực giảm thiểu TTHC đã được thực hiện, loại bỏ trên 400 loại giấy tờ không cần thiết nhưng “hàng ngày, hàng giờ các TTHC vẫn tiếp tục phát sinh, nhiều qui định bất cập ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh” – ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI- phản ánh. 
Được thực hiện thường xuyên (đứng thứ 4 sau thuế, quản lý thị trường, an toàn phòng chống cháy nổ) trong giai đoạn 2010-2013 với tỷ lệ trung bình cứ 14 DN thì có 1 DN bị thanh, kiểm tra, hoạt động thanh, kiểm tra DN trong lĩnh vực TNMT, thậm chí bị phản ánh là “gánh nặng” cho DN. Trong khi đó, TNMT lại là lĩnh vực mà các DN gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện TTHC. Đặc biệt, hơn 55% DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện TTHC về đất đai và tỷ lệ đó tăng lên theo từng năm. 
Trong tình hình đó, “gần như DN nào cũng từng “không biết gỡ từ bước nào” khi thực hiện các TTHC để triển khai một dự án đầu tư có liên quan đến đất đai” –  ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam - “kêu” với Bộ TN&MT. Với nhiều nhà đầu tư, TTHC về đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực. Mỗi thủ tục để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai, đều mất nhiều thời gian do qui trình phải hỏi ý kiến “đầy đủ ban bệ” một cách trùng lặp cho tất cả các bước đang làm chậm quá trình đầu tư.
Minh bạch TTHC để giảm chi phí không chính thức
Thực tế đã cho thấy, mức độ minh bạch thông tin càng cao thì những chi phí không chính thức mà người dân và DN phải bỏ ra khi thực hiện các TTHC về đất đai càng giảm. Đại diện Ngân hàng Thế giới từng nhận định, “để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai thì quan trọng là phải minh bạch hóa TTHC và để người dân tiếp cận tốt hơn các thông tin”. 
Đó cũng là ý kiến được nhiều DN gửi đến Bộ TNMT bởi “công khai TTHC sẽ giúp DN biết quyền của mình và cũng giảm sự lộng quyền của cán bộ có trách nhiệm giải quyết các TTHC về đất đai” như nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI.
Một trong những khó khăn cho DN chính là giá đất theo qui định của Nhà nước tăng quá nhanh trong khi qui hoạch đất đai của địa phương thường không đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, TTHC thuê mua đất đai phức tạp. Vì thế, cộng đồng DN mong muốn, chính sách về đất đai cần ổn định, có tầm nhìn, có biện pháp kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất, tránh tăng quá nhanh, đột ngột. 
Tạo đột phá trong giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng là đề xuất được các DN đưa ra do GPMB chậm, thiếu quỹ đất sạch… là những nguyên nhân gây khó khăn cho DN khi mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế DN thường phải chi đến 10% chi phí đầu tư cho công tác GPMB, ông Nguyễn Quốc Hiệp thiết tha kiến nghị “việc cần làm ngay sau Hội nghị đối thoại này là Bộ TNMT phải có đề xuất điều chỉnh, cho phép tính chi phí GPMB vào chi phí đầu tư để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của DN, khuyến khích các nhà đầu tư”.
Từ việc chỉ ra những “cửa ải”  TTHC đang gây nhiều khó khăn, trong đó có thời gian và qui trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai, LS.Nguyễn Vinh Quang cho rằng cần tiếp tục thực hiện đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đất đai, trong đó tập trung tăng cường thực hiện “một cửa” để rút ngắn thời gian nhà đầu tư, DN phải “chờ ý kiến các cơ quan chức năng” khi thực hiện TTHC về đất đai, nhằm tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư trong việc tiếp cận, sử dụng đất đai và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Theo đánh giá của DN trong khảo sát 209 các hiệp hội DN lớn ở Việt Nam, 8.200 DN tư nhân về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) 2012 do VCCI vừa thực hiện, chỉ số MEI của Bộ TNMT còn thấp (50,14 điểm), trách nhiệm về TTHC và giải quyết vướng mắc ở địa phương trong lĩnh vực TNMT dưới mức trung bình. Có đến 10,84% DN đánh giá là “rất chậm”, trong khi chỉ có 7,23% DN đánh giá là “rất kịp thời” về mức độ xử lý kịp thời xử những bất cập lớn, vấn đề “nóng” phát sinh trong thi hành pháp luật trong lĩnh vực TNMT”.

Đọc thêm