Cuộc sống cần lao của ngư dân trên cửa biển Ba Lạt

(PLO) - Khác với vẻ ồn ào, hoa mỹ của thành phố Nam Định, tại huyện Giao Thủy, còn đó cuộc sống nghèo khổ của ngư dân khi sống chết bám biển. Ngày qua ngày, họ miệt mài làm đủ thứ việc để duy trì cuộc sống cho gia đình.
Sự mệt mỏi thấy rõ trên gương mặt người lao động.
Sự mệt mỏi thấy rõ trên gương mặt người lao động.

Cuộc sống gắn liền con nước

Giao Thủy là một huyện ven biển của Nam Định từ lâu đã có tiếng bởi nghề ngư nghiệp và dần chuyển sang phát triển lĩnh vực thương mại và dịch vụ như du lịch biển,  du lịch Vườn Quốc gia Xuân Thủy…

Theo chân người dân, chúng tôi được dẫn tới xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy để tìm hiểu về cuộc sống mà nhiều người đồn đại họ giàu lên vì du lịch. Không phủ nhận mật độ giới trung lưu ở đây đang ngày càng trở nên giàu có nhờ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản và hưởng lợi từ du lịch. Nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng khi còn rất nhiều hoàn cảnh người lao động ngày đêm bám biển vì miếng cơm, manh áo. Thậm chí, họ phải đi làm thuê cho các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản để có thu nhập.

Tìm tới ông Nguyễn Văn Cửu - được mệnh danh là “vua ngao” Nam Định, chúng tôi được ông cho phép lên tàu cùng ra biển đánh bắt ngao tại cửa biển Ba Lạt, nơi con sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ để ghi nhận về cuộc sống của người lao động hàng ngày lăn lội với con nước.

Con người nhỏ bé dưới cái nắng gay gắt.
Con người nhỏ bé dưới cái nắng gay gắt.

Thuyền rời bến khoảng 8h30 tối tiến dần vào cửa biển Ba Lạt. Trong đêm tối, con thuyền lao đi vun vút trên cung đường quanh co, uốn lượn mà không cần hoa tiêu. Điều này cho thấy, người lái tàu như đã có nhiều năm kinh nghiệm, thông thuộc từng ký hiệu được đánh dấu bằng những thân cây khô đã chết. Tuy nhiên, thân cây này chỉ nhô ra khi thủy triều xuống. Ngư dân sẽ dựa vào chúng để đi. Vượng – người lái tàu mà tôi đề cập cười và nói:  “Mình đã làm công việc này được 7 năm, đường đi ở đây tuy hơi khó  nhớ nhưng làm lâu cũng quen. Cậu cứ đi rồi sẽ biết ngay”.

Lý giải tại sao lại phải đánh bắt vào ban đêm, một người phụ nữ giải thích: Ở đây, mọi người đi đánh bắt theo con nước, con nước lên thì họ rút, còn con nước xuống là thời điểm ngư dân lên đường. Và, một tháng sẽ có hai con nước, mỗi con nước có 14 ngày. Duy chỉ có tháng 2 là có tới 3 con nước,  còn mấy tháng cuối năm sẽ xuất hiện con nước lớn. Khi ấy, việc khai thác khó  khăn hơn rất nhiều do phải ngâm mình trong nước cao đến tận cổ trong giá lạnh. “Nói chung là rất mệt, 15 năm theo nghề mà chưa lúc nào giấc ngủ được cố định. Luôn phải dòm nước để ra khơi. Nếu lỡ thời thì hôm đó coi như không có gì bỏ vào miệng. Mỗi chuyến sau khi trừ các khoản thì cũng được vài trăm nghìn”, ngư dân Tuyến chia sẻ.

Những con người với làn da ngăm đen vì nắng trời, muối mặn cho thấy họ đều có cuộc sống gắn liền với biển trong nhiều năm. Cuộc sống khó khăn nhưng trên khuôn mặt đen sạm ấy luôn nở nụ cười. Không phải không có những lo lắng cho cuộc sống khó khăn nhưng họ hiếm khi biểu lộ ra ngoài. Đó là sự tinh tế trong cách hành xử giữa con người với con người mà nhiều người có quyền thế, địa vị còn phải học.

10 phút để hiểu cả cuộc đời

Sau khoảng 3 tiếng, thuyền chúng tôi cũng tới được bãi ngao Ba Lạt. Chưa thấy bóng nhưng trong gió đã thấy hơi tanh tanh kết hợp với vị nước biển có lẫn mùi bùn. Sau ít phút chuẩn bị dụng cụ, công việc đánh bắt được triển khai ngay. Trước đây, người dân dùng xẻng để xúc các lớp ngao còn nằm dưới bùn, còn nay, họ dùng máy sục để đánh bắt được nhiều hơn.

Cả đoàn gồm 25 người, phụ nữ và đàn ông đủ cả. Mỗi người trong số họ đều đã được chỉ định công việc riêng sao cho thành hệ thống đồng bộ từ khâu đánh bắt tới làm sạch. Trả lời băn khoăn về việc tại sao công việc nặng nhọc này lại để cho phụ nữ làm,  một người tên Hạnh bật cười, chia sẻ: “Công việc của các cô bọn đàn ông nó không làm được đâu. Ngồi một tí là họ kêu mỏi lưng với đau chân. Kiểu gì cũng tìm mọi cách để chuồn thôi”.

Ngao được phân loại và đóng thành từng gói 1kg.
Ngao được phân loại và đóng thành từng gói 1kg.

Quy trình đánh bắt nhìn nhẹ nhàng nhưng lại khá cầu kỳ và tốn sức. Toàn bộ đàn ông sẽ nhảy xuống biển, người đẩy máy sục, người giũ lớp bùn, đóng vào bao tải rồi mang lên thuyền cho chị em phụ nữ làm. Người đàn ông lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm nhất sẽ đảm nhiệm việc dò vị trí nhiều ngao và cắm đèn tín hiệu cho đồng đội. Ngao sau khi được làm sạch qua lớp bùn bám trên vỏ sẽ tới công đoạn lọc bỏ con chết, con nhỏ để chọn ra những con có kích cỡ đồng đều. Cứ như vậy, họ khai thác tới khi thủy triều lên thì dừng, ước chừng phải mất tới 14 giờ lao động của ngư dân.

Sau buổi lao động mệt nhọc, trên boong tàu họ ngồi nhậu với nhau. Nói là nhậu cho sang chảnh chứ cũng chỉ là cốc rượu trắng nhắm với mấy con ngao, ít mì tôm úp quả trứng, sang nữa thì thêm ít chả cá cứ thế cho tới khi về bến. 

Cập bến lúc 11 giờ, hàng dài tiểu thương, lái buôn đã chờ sẵn để lấy hàng. Nhanh chóng lắm cũng mất gần 1 giờ đồng hồ mọi việc mới chính thức kết thúc. Ai về nhà nấy, nghỉ ngơi tối lại ra khơi. Cuộc sống của họ là vậy. Quanh năm suốt tháng không biết đến các khu vui chơi, đô thị sầm uất như trên thành phố. Nhưng cái tình, cái nghĩa luôn đong đầy, lời ăn, tiếng nói suồng sã nhưng mang nét đặc thù của người lao động nghèo nơi xóm biển.

Đọc thêm