Đà Bắc chưa hết đau xót thiên tai lại lo lắng nguy cơ dịch bệnh

(PLO) - Đến với Xóm Hạ, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào một ngày chớm đông, mưa lạnh. Thật đau lòng trước một vùng quê ven sông Đà bỗng chốc tan hoang sau cơn bão lũ.
Cuộc sống tạm bợ của người dân Xóm Hà -Đồng Chum - Đà Bắc sau thiên tai.
Cuộc sống tạm bợ của người dân Xóm Hà -Đồng Chum - Đà Bắc sau thiên tai.

Cả gia tài biến mất chỉ sau một đêm

Ngày 11/10, tại huyện Đà Bắc, Hòa Bình, 32 nhà bị sập hoàn toàn và lũ cuốn trôi, 85 nhà bị sạt lở đất. 100% diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 10.000ha bị ngập hoàn toàn. Xóm Hà là một trong những nơi bị thiên tai bão lũ tàn phá kinh hoàng.

Khởi hành ở Hà Nội lúc 3h sáng, đoàn tình nguyện gồm: CLB thiện nguyện Chia sẻ Yêu Thương- Hà Nội; Đoàn Thanh niên Trung đoàn CSCĐ- CA TP Hà Nội; Đoàn Thanh niên tỉnh Hòa Bình, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Hòa Bình cùng sự quyên góp vật chất và tiền mặt là Công ty CP Thương mại Rồng vàng Minh Ngọc và các cá nhân, tổ chức khác đem theo tiền, quà và nhu yếu phẩm lên tới TP Hòa Bình. Sau đó Đoàn cùng đoàn thanh niên của tỉnh Hòa Bình di chuyển đến bến tàu Thung Nai mất gần 4 tiếng do đường trơn lầy, có nơi đường đi bị sạt một nửa rất nguy hiểm. Từ bến tàu đi vào xóm Hạ đi theo đường thủy mất 3 giờ nữa. 

Từ trên khoang thuyền nhìn về xóm Hà, không còn những mái nhà mà chỉ một màu xanh của những tấm bạt ẩn sau những hàng cây. Qua thông tin của Trưởng thôn Đinh Công Hiếu thì: “Xóm Hà có 80 hộ, 98% là bà con người Mường, là xóm nghèo nhất xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc và là 1/36 xóm khó khăn nhất tỉnh. Giao thông cách trở nên bao năm qua bản Mường này vẫn hoay hoay thoát nghèo. Nay thiên tai ập xuống người dân lại càng cực hơn”. 

Gặp gỡ và thăm hỏi các hộ dân đã mất nhà và đang phải sống tập trung tại nhà văn hóa xóm Hà, bà Bùi Thị Mi, một trong những gia đình mất trắng tài sản sau đêm lũ cho biết: “Khoảng 2h sáng ngày 11/10, tôi cùng hai đứa nhỏ nhà con trai ngủ trên nhà thì thấy tiếng chó, gà, trâu kêu chạy dáo dác dưới sàn, rồi tiếng nước đổ, biết là lũ về rồi tôi chỉ biết ôm cả hai đứa nhỏ chạy về phía nhà con trai, vừa chạy gọi con. Lúc đó nhìn nước từ đâu đổ về cùng đất đá ầm ầm lao tới, cuốn đi tất cả tôi sợ hoảng chạy theo tiếng hò hét của bà con hàng xóm, tất cả lao ra khỏi nhà chạy về phía trên nhà văn hóa xóm”.

 Chị Xa Thị Thương nghẹn ngào tâm sự: “Nước từ trên đỉnh núi dồn ập xuống kéo theo đất đá như một đàn trâu rừng hung dữ phá tan hoang mọi thứ. Đến cả những gốc cây to bằng một ôm người lớn cũng đã bị nước lũ, đất đá vày vò, vặn xé đến tang hoang. Lúc đó tôi nhìn chồng bị cuốn vùi đi theo đất bùn mà chỉ biết gào thét, bất lực, không làm gì được”. Mưa lũ đã đi qua nhưng để lại hậu quả quá nặng nề cho gia đình chị Thương cũng như nhiều hộ dân khác của xã Đồng Chum. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ thế đè lên vai những người dân vùng quê ven sông vốn đã nghèo khó.

Người dân có thể phải đối mặt với dịch bệnh sau thiên tai

Men theo con đường đất vẫn nhầy bùn, chúng tôi tìm đến nơi có 4 gia đình đang dựng túp lều ở tạm sâu trong núi. Trong chiếc lều bạt dựng tạm chỉ đủ chui ra chui vào làm chỗ trú thân, chúng tôi tận chứng kiến những đứa trẻ đốt củi để sưởi mà vẫn bị ngấm lạnh gây cảm cúm, ho; một vài người đã bị bệnh sốt rét. Chia sẻ với chúng tôi, bà Đinh Thị Mai (53 tuổi) cho biết: “Đây là đợt lũ kinh hoàng nhất trong đời tôi được chứng kiến. Chỉ sau một đêm, mọi tài sản trong nhà tôi đều bị mất trắng. Thức ăn của cả nhà gần tuần nay chỉ là rau rừng, nước suối. Các cháu nhiễm lạnh ho sốt cũng chỉ biết chịu vậy vì hiện cũng không có thuốc men gì...” .

Sau khi ghi nhận tình hình tại xóm Hà, Bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình và Chủ nhiệm CLB Chia sẻ Yêu thương đã nhanh chóng gọi về các đơn vị y tế tỉnh Hòa Bình, Trạm Y tế thiện nguyện nhờ sự giúp đỡ. Chúng tôi mong sự hỗ trợ về y tế sớm đến với bà con, những đứa trẻ không còn phải tìm hơi ấm nơi bếp lửa giữa trời, hay những người già co ro đắp tạm chiếu cói chống chọi với cơn sốt rét. 

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành đường về các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc cơ bản đã thông tuyến. Điện lưới đã có trở lại. Hệ thống thông tin, liên lạc đã được phục hồi. Nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của huyện, các tổ chức, cá nhân đã về kiểm tra, động viên và hỗ trợ, cứu trợ người dân trong cơn hoạn nạn” - Chủ tịch xã Đồng Chum cho biết. Tuy nhiên, tới thời điểm này, học sinh ở nhiều xã vẫn chưa được đến trường. Hàng trăm hộ dân đang phải ăn, ở, sinh hoạt trong nhà bạt, lều lát vì nhà cửa nơi ở cũ đã mất trắng và có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Lũ quét, lũ ống, sạt lở đã làm hàng trăm ha ruộng bị ngập úng và bị đất đá vùi lấp, nếu không được cứu trợ kịp thời chắc chắn người dân sẽ bị thiếu đói nghiêm trọng. Sau đợt mưa lớn bất thường, cuộc sống của người dân bị đảo lộn nặng nề, nếu không được phòng ngừa tốt tình hình dịch bệnh rất có thể sẽ xảy ra…Cùng với tinh thần tự lực của người dân, các thôn, bản, xóm xã Đồng Chum ở Đà Bắc nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung bị ảnh hưởng do thiên tai đang rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để từng bước ổn định đời sống. 

Đọc thêm