Đồng bằng sông Cửu Long 'nhọc nhằn' lo 'cần câu cơm'

(PLO) - Tình trạng chung của các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhiều lao động nông thôn rời quê lên thành phố mưu sinh để kiếm thêm thu nhập vì thu nhập từ những mảnh ruộng thấp. Tuy nhiên, đa số lao động đều thiếu tay nghề, chuyên môn kĩ thuật.
Nhiều địa phương khó tìm lao động làm thuê trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều địa phương khó tìm lao động làm thuê trong sản xuất nông nghiệp.

Lao động dồi dào nhưng... vẫn thiếu 

Phần lớn những người lên thành phố tìm việc là nông dân nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo nghề, không kinh nghiệm lao động trong môi trường lao động công nghiệp. 

Hầu hết những người mưu sinh bằng nghề làm ruộng có tâm lý muốn đi lên thành phố làm công nhân. Bà Nguyễn Thị Tím (Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình tôi có 4 anh, chị, em đi làm công nhân ở các tỉnh thành khác nhau như: TP Cần Thơ, TP HCM, Bình Dương nhưng cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn do không có trình độ tay nghề. 

Chung cảnh xa quê mưu sinh, anh Tạ Văn Còn (27 tuổi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) rời quê hương lên Bình Dương tìm việc mưu sinh mong đổi đời. “Thấy nhiều người ở xóm đi nên mình nghĩ đi làm dễ kiếm tiền hơn ở nhà nuôi tôm. Tưởng mọi việc sẽ thuận lợi được nhận vào làm trong các công ty nhưng không ngờ do thiếu bằng cấp nên các công ty không nhận. Hơn 3 tháng nay, tôi phải làm bốc vác hàng lên xuống xe cho các chủ xe, làm thời vụ khi nào có việc người ta gọi. Tiền công bốc vác chỉ đủ chi tiêu, chẳng tiết kiệm được gì”.

Còn anh Nguyễn Minh Đà (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) người đang nuôi mộng đưa gia đình nhỏ đi làm ở Bình Dương chia sẻ, ở đây có nhiều thanh niên lên thành phố đi làm công nhân với ước vọng đổi đời. Thấy họ đi, vợ chồng tôi cũng muốn đi. Nhưng bởi hiện tại con còn nhỏ nên không thể đi được. Dự định đợi một thời gian nữa, bọn trẻ lớn sẽ nhờ bà nội chăm sóc giúp, rồi vợ chồng tôi cũng bỏ nghề làm thuê ở quê đi lên thành phố tìm việc làm khác.

Thế nhưng đâu phải làm xa có nhiều tiền, sau hơn 4 năm rời quê hương đi làm, anh Nguyễn Vũ Anh (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết, hơn 4 năm tôi cùng những người bạn trong xóm đi làm công nhân lương hơn 8 triệu/tháng ở Bình Dương trở về quê cũng chẳng dư được đồng nào, vì phải trăm thứ trăm mua, đôi lúc làm không đủ chi; chưa kể đến lúc đau yếu bệnh tật đâu cũng vào đấy. Vả lại mình không có chuyên môn nghiệp gì. Giờ tôi muốn về quê tìm việc làm ổn định sống gần gia đình như khó tìm việc... chỉ còn biết trông chờ vào việc nuôi tôm qua ngày.  

Tình trạng người lao động nông thôn lên thành phố tìm việc cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng nhiều nơi thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh Triều (ngụ tỉnh Kiên Giang) cho biết, vài năm gần đây, mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa hay cải tạo đất rất khó khăn để tìm được người lao động thuê. Lao động ở đây ồ ạt lên thành phố tìm việc làm gần hết rồi. Giờ tiền thuê người gặt lúa với giá 500 ngàn/công mà tìm không ra người để làm, trong khi trước đây giá thuê chỉ với 200 ngàn/công. 

Phần lớn lao động chưa qua đào tạo

Mới đây, tại Cần Thơ diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế bàn về “Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL tầm nhìn 2030” thu hút nhiều ý kiến đánh giá từ giới chuyên gia về công tác đào tạo nhân lực vùng.

Nói về thực trạng lao động của ĐBSCL, Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, ở nông thôn, người lao động không biết nghề là phổ biến. Thanh niên tốt nghiệp đại học rồi ít người tự tạo việc làm cho mình, phần đông rất khó tìm việc làm. Sản xuất thì chỉ biết các loại nông sản giá rẻ, không đạt chất lượng… Đó là vì chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL quá thấp. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động thất nghiệp.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, PGS.TS Đặng Văn Phan (Trường Đại học Cửu Long) đề xuất, để giáo dục và đào tạo ở vùng ĐBSCL cất cánh góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng và cả nước, rất cần có sự tham gia của nhiều cấp, ngành liên quan. Đồng thời, cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong ngắn và dài hạn, trong đó lấy giáo dục và đào tạo làm trọng tâm phát triển. Tăng cường đầu tư ngân sách, vốn, cơ sở vật chất theo hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu, tiến tới lấp dần “chỗ trũng” trong giáo dục và đào tạo tại ĐBSCL.

Trong một nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Xu (Trường đại học Đồng Tháp) so sánh giữa các vùng miền, trong 3 tháng đầu năm 2017, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất (3,02%) so với cả nước (1,82%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của vùng này cũng cao nhất cả nước (2,94%). 

Đọc thêm