Quảng Ninh: Báo động tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng

(PLO) - Theo báo cáo của Sở lao động thương binh và xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 25 vụ tai nạn lao động làm chết 28 người, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng là 11 vụ, làm chết 14 người, bị thương nặng 8 người, chiếm 50% số người chết. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ trong khoảng 3 tháng gần đây, tại Quảng Ninh đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại TP Hạ Long và TP Móng Cái. Trước tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng và để chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Qua kết quả thanh, kiểm tra các vụ tai nạn lao động cho thấy các tồn tại chủ yếu trên công trình xây dựng là: nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực, không lập biện pháp an toàn thi công; không có cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; quan hệ lao động trên công trình rất phức tạp, lỏng lẻo; chất lượng lao động chưa đảm bảo; công tác quản lý, sử dụng máy, thiết bị, hệ thống điện và một số vị trí làm việc trên công trường không đảm bảo điều kiện an toàn.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư chưa quan tâm, chưa hiểu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác an toàn lao động theo quy định pháp luật; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát đối với an toàn lao động chưa chặt chẽ, hiệu quả. 

Để xảy ra tai nạn lao động một phần còn do ý thức chủ quan của người bị tai nạn. Do người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp xây dựng, nên chưa có ý thức, tác phong công nghiệp, chưa được đào tạo, phổ biến, hướng dẫn quy trình, biện pháp an toàn lao động, không nhận biết được các yếu tố nguy hiểm trong xây dựng, như nguy cơ ngã cao, sập đổ giàn giáo, sử dụng thiết bị, điện giật. Vì vậy, vấn đề quan hệ lao động phức tạp và chất lượng lao động không đảm bảo là một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng.

Hiện cơ quan chức năng của tỉnh chưa có thống kê chính xác về số lao động tự do từ các vùng quê đi làm nghề xây dựng nhưng thực tế thì rất nhiều công ty, kể cả các nhà thầu lớn cũng chỉ có bộ khung cán bộ, công nhân kỹ thuật, khi có công trình mới giao cho các đội, tổ thi công đi tuyển thợ, lao động phổ thông theo tiến độ công trình.  

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, đối với các chủ đầu tư, phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định của pháp luật; quy trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình và chịu trách nhiệm về vi phạm của nhà thầu. Các cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động.  

Đọc thêm