Tinh giản biên chế - bài học từ Quảng Ninh

(PLO) - Phải đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xác định rõ quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm người đứng đầu... đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, công tác tổ chức – cán bộ ở hầu hết các tỉnh, thành đều có vấn đề. Hiện tượng ở bộ, sở, ban ngành có trường hợp có đến 8, 9 lãnh đạo cấp phó, thậm chí một cơ quan 40 nhân sự có đến 38 là lãnh đạo... trở thành khá phổ biến.

Ở TP HCM lại thừa đến 1.800 biên chế là điều không thể chấp nhận được với bộ máy nhiều tầng nấc với quá nhiều Ban Chỉ đạo, Hội đồng… hoạt động thiếu thiết thực, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Việc chọn “người thân” hơn là “nhân tài”  hoặc chỉ chọn “người chạy” chứ không chọn người có phẩm chất năng lực, có lòng tự trọng “không chạy” là hiện tượng phổ biến; tỉnh thành nào, quận huyện nào, phường xã nào cũng có, người dân đều nhìn thấy cả.

Nguyên nhân các tồn tại trên vẫn là sự buông lỏng quản lý của Nhà nước, cơ chế giám sát, kiểm tra lỏng lẻo của cả Đảng và hệ thống chính trị. 

Kinh nghiệm từ Quảng Ninh 

Việc Quảng Ninh xây dựng mô hình “Tinh giản biên chế - nhất thể hóa bộ máy” trong cả tỉnh quả là điểm đột phá liên quan đến con người, đến các ban Đảng, sở, ngành, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận và các đoàn thể. Việc nhất thể hóa đụng chạm nhiều lắm, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn làm.

Tức là sau nhiều năm (những năm 2013, 2014...) mò mẫm, vượt qua mọi trở ngại đã tạo được mô hình “tinh giản biên chế, nhất thể hóa bộ máy” theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, Mặt trận vận động, nhân dân làm chủ” được đặt ra từ Đại hội VI và tồn tại đến tận hôm nay. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giải thích rất rõ: Hiến pháp quy định rõ ràng Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết, Nhà nước biến nghị quyết của Đảng thành luật pháp và quản lý xã hội bằng pháp luật, còn Mặt trận gồm các đoàn thể vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình bằng phong trào hành động cách mạng trong thực hiện nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước.

Trên thực tế, ở địa phương nào cũng có tình trạng tổ chức Đảng bao biện làm thay công việc của chính quyền, chính quyền lấn sân công việc của tổ chức Đảng và lấn lướt Mặt trận và các đoàn thể thành viên. 

Ngay từ đầu Quảng Ninh đã lên kế hoạch làm thí điểm, từng bước đúc kết kinh nghiệm; khi hoàn chỉnh mô hình thì mới nhân ra diện rộng. Điểm tiên quyết là có dự kiến tiêu chí cán bộ: có trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị đáp ứng công việc, có được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn cuộc sống. Khi bổ nhiệm rồi phải định kỳ giám sát, kiểm tra vì khi có “quyền lực” trong tay dễ đi đến tha hóa; quy luật này không lại trừ bất cứ ai nếu không biết giữ mình.

Quá trình nghiên cứu, mò mẫm, Quảng Ninh đã phát hiện, tìm được con đường dẫn đến nhất thể hóa với kết quả khả quan như: Cơ quan Tổ chức của Đảng và cơ quan Nội vụ đều thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ. Khi cần bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, bên Nội vụ phải làm tờ trình sang bên tổ chức. Bên tổ chức tham mưu cho cấp ủy đồng tình rồi thông báo lại cho bên Nội vụ. Khi đó, Nội vụ mới thực hiện quy trình để bổ nhiệm và trình cấp ủy; được đồng ý thì Nội vụ mới ra quyết định. 

Nỗ lực vượt bậc của Quảng Ninh đã thể chế hóa 9 Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ, 7 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, 5 Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND ở 63 xã phường. Những thí điểm tại Quảng Ninh cần được mổ xẻ thấu đáo để đúc kết bài học kinh nghiệm thực tiễn, bên cạnh phát huy những kết quả tích cực hợp lý qua việc nhất thể hóa nhiều cơ quan Đảng và chính quyền thì cần làm rõ sự tương thích hay không giữa vai trò tham mưu cho Đảng của Ban Dân vận và tính chất liên minh chính trị - liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam – theo đó phải “nhất thể hóa” như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị vừa không làm mất vai trò vị trí của MTTQ Việt Nam đã được hiến định.  

Điều hết sức ấn tượng đó là nhờ sự tiên phong đổi mới hệ thống chính trị trong thời gian qua mà Quảng Ninh đã giảm 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; qua đó đã tiết kiệm ngân sách đến 3.000 tỉ đồng/năm. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi, từ top 10 , rồi top 5, Quảng Ninh là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

 Nước ta hiện có trên 3 triệu cán bộ công chức và 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu học tập theo Quảng Ninh thì có thể cả 63 tỉnh, thành sẽ giảm khoảng 100.000 biên chế, tiết kiệm khoảng 200.000 tỉ đồng.

Cần giải pháp hữu hiệu

Trong làn sóng hội nhập sâu rộng, để sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng không có con  đường nào khác hơn “Đặt lợi ích Tổ quốc và nhân dân lên trên hết” để thực hiện kỳ vọng  này, mỗi chúng ta phải ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Bên cạnh mặt “xây dựng” nói trên, theo tinh thần NQTƯ4 Đại hội XII cần kiên quyết “chống” các biểu hiện:  nói và làm trái nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không gương mẫu trong trách nhiệm được giao, tìm cách thăng quan tiến chức gắn với tư duy nhiệm kỳ, gấp rút bổ nhiệm người nhà, người thân thay vì bổ nhiệm “người tài, người có phẩm chất năng lực nhưng không chạy chọt” để trục lợi tối đa; nạn bộc lộ chủ nghĩa cá nhân đến mức không muốn người khác hơn mình, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, hình thành nhóm lợi ích để tiếp tay tham nhũng; đặc biệt là cần triệt để chống nhóm lợi ích, ở cấp nào, ở cơ quan, đơn vị nào cũng có.

Để làm được như vậy, 63 tỉnh, thành trong cả nước nỗ lực học tập mô hình “Tinh giản biên chế, nhất thể hóa bộ máy” của Quảng Ninh, trên tinh thần phát huy thật sự nhân tài để đất nước ngày càng phát triển bền vững. 

Đọc thêm