Tưng bừng phố Hội ngày đầu năm

(PLO) - Xuân gõ cửa phố Hội (TP Hội An, Quảng Nam). Những con hẻm bỗng xôn xao; mai, mãn đình hồng, quất kiểng… khoe sắc khiến ai từng một lần đến nơi này, đều phải mê mẩn. Trong khoảnh khắc Xuân về, phố cổ Hội An hiện ra như bức tranh bình dị mà sâu lắng…
Phố cổ ngày Xuân
Phố cổ ngày Xuân

Nơi gần gũi, khó quên!

Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, phố Hội đã rực rỡ, tưng bừng không khí Tết, sắc Xuân bởi những câu đối giăng mắc, những lễ hội dân gian được phục dựng…

Như lời giới thiệu “đậm chất văn” của ông Võ Phùng, Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thể thao TP Hội An: “Từ ngày 24 tháng Chạp, các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự… được Hội hoa xuân phủ sắc xanh tươi. Hội An trở nên trong veo. Các tuyến đường ngập tràn hương của muôn hoa. Phố cổ cũng đang hối hả theo nhịp bước người đi thưởng lãm, như thể muốn ôm trọn Tết mang vào nhà trước đêm 30. Đã là người con phố Hội hay ai từng lưu trú nơi đây 1 lần, chắc sẽ muốn về. Về mà dạo ngang qua những con phố có mái ngói rêu phong, thả mình trong ánh sáng huyền hoặc, đẹp mê hồn của những chiếc lồng đèn về đêm…” 

Ở phố Hội, làng gốm Thanh Hà (Hội An) mới là nơi mang không khí Tết đầu tiên. Bước vào tháng Chạp, những nghệ nhân nơi đây lại bắt đầu nổi lửa làm tượng ông Công, ông Táo để cung ứng cho thị trường ngày 23 tháng Chạp. 

Ông Phùng cho biết, theo quan niệm của người xưa, sau mâm cúng tiễn Táo quân về chầu trời, việc chuẩn bị đón Tết mới chính thức. Khoảng 30.000-60.000 tượng từ làng gốm Thanh Hà được hoàn thành gấp rút để lên xe đi khắp mọi miền cho kịp ngày 23 tháng Chạp đã làm nên không khí Xuân nhộn nhịp hơn.

Không chỉ vậy, trong vài năm trở lại đây, Tết phố cổ Hội An còn ghi dấu bằng sự tái hiện hoạt động dựng cây nêu, nét đặc trưng của ngày Tết dân tộc tại các di tích, đình, miếu, nhà thờ tộc… Sau khi lễ hội hoa xuân được khởi động, ngày hội “Bánh Tết vì người nghèo” với các nội dung thi làm bánh lăn, làm mứt và tặng quà Tết…lần lượt diễn ra từ ngày 27 tháng Chạp năm cũ. Riêng hội thi gói và nấu bánh chưng được tổ chức tại từng xã, phường. Các gia đình, hàng xóm cùng quây quần bên nồi bánh, tạo điểm nhấn cho bức tranh xuân luôn rộn ràng, tươi mới. Ngoài ra, điểm nhấn Tết phố cổ Hội An không thể thiếu đèn lồng, với đủ loại kiểu dáng, sắc màu xuất hiện từ cuối đông cho đến xuân.

 Ngay sau tiết lập Xuân (ngày 4/2), hàng chục lễ hội ở Hội An đua nhau chờ vào mùa như: giỗ tổ, tế đình của cộng đồng làng xã. Trong làn sương lạnh sớm mai, dòng người vui xuân bắt đầu lũ lượt kéo về Lễ hội Cầu Bông của cư dân làng rau truyền thống Trà Quế, ngày hội quật cảnh Cẩm Hà, hội Bắp nếp Cẩm Na, trải nghiệm “Tập làm hoa đăng”, “Dán lồng đèn”, “Gấp lá dừa”…

Lễ Tết giản dị nhưng đặc sắc

Khi thời khắc chuyển giao năm mới vừa điểm, các hội quán, đình, chùa đồng loạt gióng chuông, trống, hòa chung sự giao thoa của đất trời. Đi dọc theo sông Hoài, cả ngày lẫn đêm du khách đều có thể tận hưởng hương sắc của một vùng đất qua hàng gánh ẩm thực.

Trên đất Việt có lẽ chỉ Hội An mới biến những gánh hàng rong thành một bữa tiệc buffet thịnh soạn, thường gọi “buffet gánh”. Kiểu tiệc đậm chất dân dã nhưng không kém phần sang trọng, hiện đại. Bên nếp phố xưa, dưới sông, hoa đăng trôi lung linh; trên bờ, những gánh hàng ẩm thực mộc mạc cùng tiếng nhạc cổ truyền văng vẳng trong không gian. Các món ẩm thực nổi tiếng của xứ Quảng và Hội An như bánh bao, bánh vạc, chả giò, cao lầu, mì Quảng, hay nuớc chè lá được những bà mẹ, những thiếu nữ Hoài Phố dâng mời… từ lâu đã biết níu giữ chân khách thập phương. 

“Tiếng rao, cách bài trí hay cả những thói quen trong ăn uống sinh hoạt lễ Tết này đã góp phần hữu hình hóa Hội An, làm cho phố cổ trở nên gần gũi, khó quên trong mỗi dịp Xuân về”, ông Võ Phùng tự hào

Vào phố cổ dịp Tết, không khí đường phố cũng rộn ràng không kém với nhiều trò chơi dân gian như đập nồi, chuốt gốm, ngâm thơ, trong đó nổi bật có hát bài chòi... Nói như nhà thơ nhà văn Trần Kỳ Trung (SN 1953, ngụ TP Hội An), bài chòi xứ Quảng đã thấm vào máu thịt và len vào cả giấc ngủ của bất kỳ người con phố Hội đang sống nơi đất khách. Có lúc tỉnh dậy nghe điệu bài chòi, nhìn chiếc lồng đèn treo nơi góc phòng, bỗng cay xè đôi mắt. Những lúc như vậy,  chỉ muốn chạy ngay về, để rúc vào ngực mẹ như hồi xưa bé dại và tỉ tê: con nhớ quê nhà, nhớ mẹ quá!…

Ông Võ Phùng tâm tình, những năm qua, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống cũng được đưa vào, hòa cùng nếp sống hiện đại nhằm tạo nên một bản sắc riêng cho Tết ở phố cổ Hội An. Cụ thể như chương trình tour homestay “Đón Tết cùng người Hội An” mỗi năm một lần, được đề xướng và đang thu hút đông đảo du khách cùng trải nghiệm.

Từ 29 tháng Chạp, ngôi làng chài Thanh Nam (Hội An) rợp bóng tre và cây xanh mở cửa đón khách, chủ yếu người ngoại quốc. Cũng trang trí nhà cửa, làm bánh in, gói bánh tét, bánh chưng... sau đó họ được Chính chủ nhà giới thiệu về những phong tục đón Tết của người Việt Nam, người Hội An. Đêm, bên dây trầu quấn quanh cây cau, dưới ngọn nến, chủ nhà kể “Sự tích trầu cau”, khách têm trầu rồi mời nhau nếm thử cho răng cùng đỏ thắm.

Trong tập lưu bút lưu tại Trung tâm văn hóa Hội An có rất nhiều bút tích của du khách nước ngoài như: “Mùng 1 Tết, tôi có thể mặc trang phục truyền thống, khăn đóng áo dài Việt Nam cùng với gia đình đi viếng chùa, thắp nhang tại Hội quán, đình làng. Lưu trú tại đây 5 đêm, chúng tôi thấy Hội An rất đẹp và con người thân thiện. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ ở 2 đêm thôi, nhưng mọi người đã cho chúng tôi những ngày nghỉ ấm cúng trong dịp Tết với nhiều câu chuyện cổ tích cảm động!”. 

Với sự yêu mến như thế, ông Phùng luôn nở nụ cười thân thiện đáp lại như một lời tri ân: “Hội An rất thân quen, ai đến một lần sẽ nhớ mãi và dễ dàng “vẽ” ra trong tâm tưởng của mình từng lối phố, từng nhà cổ, từng món ăn, giọng nói để lưu giữ đến mai sau…

Đọc thêm