Bài học về công tác cán bộ

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam hôm qua có bài “Lửa đã bốc cao” nói về “sự kiện” Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm nghiêm trọng của 2 lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố, ngỡ như không còn gì để bàn thêm về sai phạm của họ, trách nhiệm của họ trong việc “phá nốt” những gì là niềm tin ít ỏi còn sót lại.
Bài học về công tác cán bộ

Không, câu chuyện còn dài. Bài học về công tác cán bộ - nhiệm vụ trọng yếu của Đảng cầm quyền còn đó. Nhân dân tin yêu Đảng nên đòi hỏi, hơn bao giờ hết.

Nhân dân, đảng viên của Đảng sẽ mãi còn thắc mắc, khi đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đưa vào Trung ương – tức là cấp chiến lược, chúng ta quá sơ suất, thiếu sót, còn kẽ hở, để lọt vào Trung ương, cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Để rút ra bài học trong công tác cán bộ cũng như trong việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự, nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, kể cả cấp chiến lược.

Khi tổ chức Đảng không đánh giá đúng, cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện thì đó là nguy cơ lớn đối với Đảng. Chúng ta chọn người tài, được kinh qua thực tiễn, thử thách hay chọn “người nhà”? “Chiếc ghế quyền lực” có phải là một dạng “xôi chùa” từ đó nảy sinh tâm lý: con ông A vào được thì con tôi cũng phải vào được; “mặc cả” và “móc ngoặc” trong công tác cán bộ? Khi đã giao quyền thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố, phải kiểm soát quyền lực.

Hơn bao giờ hết, chúng ta nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Suốt một đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng, về vị trí của cán bộ, Người chỉ rõ cán bộ “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Cụ thể hơn, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng.

Chúng ta có quá nhiều quy trình nhưng luôn luôn sơ hở, thiếu sót. Thử hỏi chúng ta đã có bao nhiêu cán bộ bảo vệ đề tài tiến sỹ, được công nhận là phó giáo sư, giáo sư về “quy trình”. Chắc chắn không phải ít. Đáng tiếc, công tác cán bộ, “đầu ra” của các “quy trình” đã và đang xuất hiện những “tấn trò đời”.

Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thưa vâng, cán bộ của Đảng, nhất là cấp cao mà không có đức, tham – sân – si hủy hoại liêm sỷ thì đó là một thảm họa.

Bài học ở vụ Bí thư Nguyễn Xuân Anh vì thế nóng bỏng mãi về sau.

Đọc thêm