Bài học về lòng dân

(PLO) - Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) đã bế mạc nhưng dư âm còn đọng mãi và đang tạo ra khí thế mới đúng như Báo Pháp luật Việt Nam đã viết: “Khí thế mới, động lực mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước”.
Bài học về lòng dân

Một trong những nguyên nhân tạo ra “khí thế mới, động lực mới” là các quyết định quan trọng, cấp bách của Hội nghị đã đem lại niềm tin của nhân dân vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống tham ô, tham nhũng... Đúng như lời Tổng Bí thư: “Dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Vâng “lòng dân”, vấn đề không mới, phàm là quan chức ai cũng thuộc những câu của các nhà hiền triết của các minh quân, lãnh tụ về lòng dân. Chỉ tiếc là, chúng ta đã coi nó như một thứ “trang sức” trong một thời gian quá dài. 

Từ xa xưa, trong lịch sử, các nhà chính trị đã nói về lòng dân. Không phải tự nhiên Bác Hồ nói: “Trong bầu trời này không có gì quý bằng nhân dân”.

Vậy lòng dân là gì? “Lòng dân” là một khái niệm trừu tượng. Nhưng khi được biểu hiện ra lại là một thực thể hết sức phong phú. Vậy đối tượng của dân là gì? Là nước - là quốc gia, là bộ máy công quyền, cai trị. Vậy một khi nói đến lòng dân, là nói đến ý thức của cộng đồng dân tộc đối với Nhà nước. 

Trong lịch sử không thiếu các bài học về lòng dân. Nhưng bài học dường như còn nóng hổi và khắc nghiệt nhất là bài học về lòng dân thuộc thời đại nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIII.

Thế kỷ XIII, nước ta phải đánh trả 3 cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ, trong đó có 2 cuộc vào các năm 1285 và 1288 mang tính hủy diệt. Vậy mà cả ba lần ta đều chiến thắng. Ở đây có các câu hỏi: Vì sao nhà Trần làm được điều mà các quốc gia khác không làm được? Vì nhà Trần có dân, toàn dân tộc với triều đình cùng chung một ý chí. Trần Hưng Đạo tận trung với nước, hết lòng yêu thương binh sĩ. Đó chính là bài học về lòng dân. Đó chính là lời đáp vì sao binh sĩ thời Trần có sức chiến đấu lay thành chuyển núi đến thế. Và cũng là lời giải bấy lâu cho những ai còn băn khoăn, vì sao quân Mông Cổ hùng mạnh và thiện chiến như thế, lại bị thua ở Đại Việt. 

Sở dĩ nhà Trần tạo được sức mạnh siêu thần nhập hóa để giữ nước là bởi triều đình đã cố kết được lòng dân.

Lòng dân có thể ví như nước, bao la, vô tận. Sức dân ví như nước. Nước có những hạt bé li ti như hạt sương trên ngọn cỏ, nắng lên là tan biến. Nhưng nước hợp lại có thể làm nên cường lực, tạo ra những trận sóng thần ghê gớm hoặc cơn đại hồng thủy thì không một sức mạnh bạo tàn nào có thể cưỡng lại. Những quyết sách của Hội nghị TƯ 6 vừa qua, nếu được thực hiện tới nơi, tới chốn sẽ thu phục được “lòng dân”. Chúng ta có tất cả nếu như chúng ta làm cho dân tin yêu. 

Đọc thêm