Dự án Tây Nam Kim Giang I: Người dân mòn mỏi chờ nhận tiền bồi thường

(PLO) - Mặc dù quyết định thu hồi đất của người dân đã được ban hành nhiều năm và đã có hai lần lên phương án bồi thường, thế nhưng người dân phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) vẫn phải mòn mỏi chờ nhận tiền đền bù khi thực hiện dự án Tây nam Kim Giang I.
Một phối cảnh Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang - Hoàng Mai. Ảnh Internet
Một phối cảnh Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang - Hoàng Mai. Ảnh Internet

Đền bù “đầu voi, đuôi chuột”

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội cho biết: Ngày 09/9/2009, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định số 626/QĐ-UBND về việc thu hồi đất ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Hà Nội thực hiện Dự án khu đô thị Tây nam Kim Giang I. 

Đến nay, công tác GPMB để thực hiện dự án về cơ bản đã hoàn thành, đa số các hộ dân được bồi thường, hỗ trợ căn cứ theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/09/2009 của UBND TP.Hà Nội (sau đây gọi là QĐ 108). Tuy nhiên, hiện vẫn có một số hộ dân hiện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án trên.

“Thời điểm lên phương án bồi thường (phương án dự thảo) theo QĐ 108, gia đình chúng tôi cũng có tên trong danh sách phê duyệt bồi thường nhưng không rõ vì lí do gì chúng tôi không được mời đến nhận tiền. Ngày 15/8/2014, chúng tôi lại nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ căn cứ theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 - sau đây gọi là QĐ 23). Thế nhưng, theo QĐ 23 thì số tiền chúng tôi được nhận bồi thường, hỗ trợ thấp hơn rất nhiều so với QĐ 108”, đơn kiến nghị của người dân cho biết.

Theo tìm hiểu, nếu so sánh giữa hai phương án bồi thường thì có thể thấy số tiền chênh lệch khá lớn. Đơn cử như hộ bà Cung Thị Bích Hương được bồi thường theo QĐ 108 (phương án dự thảo ngày 18/3/2012) là hơn 1,6 tỷ nhưng theo QĐ 23 (phương án dự thảo ngày 17/9/2014) thì chỉ còn hơn 1,1 tỷ, hộ ông Nguyễn Văn Toản hơn 1,4 tỷ giảm còn hơn 700 triệu, hộ bà Triệu Thị Hưng gần 400 triệu giảm còn hơn 100 triệu,....

Theo kiến nghị của các hộ dân, các ngành chức năng cần xem xét và có phương án bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp với mức giá đền bù như phương án dự thảo ban đầu khi căn cứ theo QĐ 108. Trước đó ngày 08/9/2014, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành văn bản số 6735/UBND-TNMT do Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh ký hướng dẫn việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP. 

Nội dung văn bản này có nêu rõ: “Trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết đã được thẩm định và dự thảo công khai theo chính sách quy định của Luật Đất đai 2003, nhưng cấp có thẩm quyền chưa quyết định phê duyệt phương án trước ngày 01/7/2014 mà có lợi hơn cho người bị thu hồi đất so với phương án nếu được lập theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì UBND các quận, huyện quyết định phê duyệt và thực hiện phương án chi tiết đã thẩm định và công khai theo quy định”.

“Theo tôi được biết thì do một số hộ còn vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc đất. Thế nhưng, tôi không hiểu là việc xác minh này được thực hiện như thế nào mà kéo dài mấy năm trời. Đáng nhẽ ra chúng tôi được phê duyệt phương án bồi thường theo QĐ 108 nhưng chính sự chậm trễ trong việc xác minh đó giờ đây phải thực hiện theo QĐ 23”, ông Nguyễn Văn Toản (trú tại tổ 25B phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) một hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cho biết. 

Cần đảm bảo sự công bằng

Được biết, để đảm bảo quyền lợi của mình, người dân đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan ban ngành địa phương và TP.Hà Nội. Theo đó, UBND quận Hoàng Mai cũng đã có nhiều văn bản báo cáo, xin hướng chỉ đạo của UBND TP và Ban chỉ đạo GPMB. Gần đây nhất là văn bản số 737/UBND-BBT ngày 5/4/2017, về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện dự án này. 

Theo đó, trong văn bản này UBND quận Hoàng Mai có kiến nghị: “Để đảm bảo quyền lợi, công bằng của các hộ dân trong cùng dự án, UBND quận đề nghị Ban chỉ đạo GPMB TP, liên ngành TP báo cáo UBND TP có chính sách hỗ trợ theo hướng ngoài số tiền được bồi thường hỗ trợ theo QĐ 23 thì được hưởng khoản hỗ trợ khác đảm bảo cân đối chính sách theo QĐ 108”.

Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo số 400/BC-BCĐ ngày 9/6/2017 của Ban chỉ đạo GPMB TP gửi UBND TP có nêu: “Liên ngành đã thống nhất nội dung đề nghị của UBND quận Hoàng Mai là không đúng theo quy định pháp luật về chính sách GPMB tại thời điểm thu hồi đất, GPMB...”.

Văn bản này cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc đến thời điểm này vẫn còn vướng mắc trong khâu GPMB thực hiện dự án. Cụ thể, thời điểm triển khai GPMB, các hộ dân còn vướng mắc về nguồn gốc đất nên UBND quận Hoàng Mai chưa phê duyệt phương án cho các hộ theo chính sách quy định tại QĐ 108. Khi tiếp tục thực hiện dự án, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt phương án bồi thương theo QĐ 23 và sau đó có đơn kiến nghị của người dân.

Liên quan đến những phản ánh của người dân và vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện dự án trên, PV đã liên hệ làm việc với UBND quận Hoàng Mai. 

Cung cấp thông tin cho PV, bà Đồng Thị Như Hoa - Phó trưởng Ban GPMB quận Hoàng Mai cho biết: “Về vấn đề này có liên quan đến 40 hộ dân, trong đó có 2 loại chính sách. Trong đó, có 28 hộ thực hiện (phương án bồi thường-PV) theo QĐ 23 còn lại là 12 hộ thực hiện theo QĐ 108. Trong số 28 hộ thực hiện theo QĐ 23 thì có 14 hộ có lợi hơn và 14 hộ thiệt hơn so với thực hiện theo QĐ 108”. 

“Trong quá trình thực hiện quận đã nhiều lần có văn bản báo cáo TP những phương án để gỡ (số 14 hộ thiệt hơn), nhưng TP không tháo gỡ và yêu cầu thực hiện đúng quy định. Hiện trong số 40 hộ dân đó thì còn 13 hộ chưa nhận tiền, theo đó có một nửa kiến nghị thực hiện chính sách chênh lệch theo QĐ 108”, bà Hoa thông tin. 

Về những kiến nghị của người dân để đảm bảo sự công bằng như các hộ dân cũng bị thu hồi đất cùng thời điểm khi thực hiện dự án, bà Hoa khẳng định: “Trường hợp chưa có quyết định phê duyệt (thời điểm áp dụng quy định tại QĐ 108) thì trong thời điểm này thực hiện theo pháp luật hiện hành. Đối với 28 hộ thời điểm đó mới chỉ có phương án bồi thương dự thảo thôi thì phải thực hiện theo QĐ 23. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị xin hỗ trợ thêm để tương đương với QĐ 108, tuy nhiên TP không đồng ý”.

Lý giải về việc chậm trễ trong công tác xác minh hồ sơ, nguồn gốc đất của các hộ dân chưa được nhận tiền đền bù (từ thời điểm QĐ 108 vẫn còn hiệu lực-PV), bà Hoa cho hay: “Vướng mắc của các hộ liên quan là chưa xác minh được diện tích đất, sau đó còn phải xin ý kiến rồi quy chủ cho họ mới thực hiện được”. Tuy nhiên, bà Hoa cũng thẳng thắn thừa nhận sự chậm trễ này một phần cũng là do lỗi của chính quyền địa phương. 

 “Chúng tôi luôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Nhà nước khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ khi bị thu hồi đất đến giờ chúng tôi không có đất canh tác, tiền bồi thường, hỗ trợ không được nhận khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Một lần nữa, chúng tôi kính mong các lãnh đạo ban ngành xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nguyện vọng cho chúng tôi”, đơn kiến nghị của người dân nêu rõ. 

Những phản ánh, kiến nghị của người dân về việc chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án Tây Nam Kim Giang I là hoàn toàn chính đáng. Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai cần phối hợp giải quyết những vướng mắc đó của người dân một cách thấu tình, đạt lý, để từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đọc thêm