Giám sát việc rèn luyện đạo đức của người đứng đầu: Khó vẫn phải làm

(PLO) - Chiều qua (21/8), tại Hà Nội, Hội đồng công tác quần chúng Trung ương đã tổ chức hội nghị góp ý “Đề án xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương

Theo Ban Chỉ đạo Đề án, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng…

Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh vẫn còn hạn chế; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi… Bởi vậy, việc xây dựng Đề án trên là rất cần thiết.

“Nhưng đây là vấn đề mới và khó, từ trước đến nay chưa có quy chế, quy định nào của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”- ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án nhận định.

Bên cạnh đó, theo Hiến pháp 2013 và Luật MTTQ Việt Nam thì MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội  không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị và cán bộ đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; chỉ được kiểm tra đối với các tổ chức và cá nhân thuộc tổ chức của mình về việc chấp hành điều lệ, thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội.

“Trong Tờ trình có nói đến chức năng thanh kiểm tra, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc này phải cân nhắc lại vì Mặt trận chỉ có chức năng giám sát chứ không có chức năng thanh, kiểm tra đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên” - ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Cho rằng phạm vi tham gia kiểm tra theo dự thảo còn hẹp (chỉ tham gia kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt...), ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi ý, có thể mở rộng phạm vi giám sát và tham gia kiểm tra. Theo đó, không chỉ tham gia kiểm tra, giám sát về đạo đức mà còn cả lập trường, tư  tưởng, lối sống, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt… 

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật… Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt, hoạt động của tổ chức, cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định.

Kết luận Hội nghị, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên… thì việc thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng. “Những ý kiến tại Hội nghị sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa để tiếp tục họp bàn, hoàn thiện trước khi trình Ban Bí thư”, bà Mai cho biết.

Đọc thêm