Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng trong CMCN 4.0: Đồng bộ trong tư duy mới

(PLO) - Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 song theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) để tiếp cận thành công và tận dụng được những lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại thì cần có thêm nhiều việc phải làm, trong đó hoàn thiện cơ sở pháp lý là một trong những việc quan trọng nhất…
Trải nghiệm dịch vụ Vietcombank Digital Lab
Trải nghiệm dịch vụ Vietcombank Digital Lab

Vấn đề được bàn thảo tại Hội thảo “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộcCMCN 4.0” do NHNN tổ chức sáng 15/6.

Đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, thời gian qua, nhiều NHTM đã ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0 như Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro; nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như các ngân hàng TpBank với ngân hàng tự động LiveBank, VpBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu DN (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…

“Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản lý và kinh doanh. Dưới sự điều hành của NHNN và sự năng động của các NHTM, những công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh, trung tâm kinh tế thế giới dịch chuyển dần từ tây sang đông” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương khẳng định.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh như: Gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước; Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại; Nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận. Từ đó giúp các ngân hàng Việt Nam nâng mình lên một tầm cao mới, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Ngân hàng như: Khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành Ngân hàng; Mô hình kinh doanh và nguồn lực tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của các ngân hàng cần được khắc phục để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao; Rủi ro về công nghệ thông tin, an ninh bảo mật, tội phạm công nghệ; Bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số được xem là giải pháp quan trọng để các ngân hàng tận dụng tối đa những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. “Có thể nói, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 đang là xu hướng chủ đạo hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận những thành tựu công nghệ mới tránh bị tụt hậu…”- Phó Thống đốc chia sẻ.

Theo Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng,NHNN, ông Phạm Xuân Hòe, một mình ngành ngân hàng không làm được mà đỏi hỏi hành lang pháp lý từ các Luật, nghị định, đặc biệt đồng bộ trong tư duy mới. “CMCN 4.0 khác xa so với các chuộc cách mạng trước đây, đó là độ mở rất cao. Do vậy, nếu vẫn xây dựng cơ sử pháp lý theo kiểu khép lín rất khó..”- Ông Hòè khẳng định và đề nghị, cần phải làm mới tư duy cuả những người làm chính sách trước khi bắt tay xây dựng dự thảo… 

Đọc thêm