Khi những cánh rừng biến mất

(PLO) - Những cơn lũ đã cướp đi bao sinh mạng và của cải. Hậu quả của lũ dữ nhắc người ta nhớ nhiều đến những cánh rừng trơ trụi, bị tàn phá cho lòng tham và sự thụ hưởng của con người. Lũ vẫn đổ về mỗi năm, và hàng năm, những ngọn đồi vẫn trọc đi, những cánh rừng vẫn bị khoét rỗng từ trong lòng.
Khi những cánh rừng biến mất

Dọc con đường quốc lộ xuyên qua địa phận các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, các cánh rừng vẫn bạt ngàn hai bên đường. Nhưng chỉ cánh đi rừng mới biết, phủ bên ngoài là lớp vỏ xanh tươi, nhưng trong lòng, cây rừng đang ngày ngày ngã xuống, những cánh rừng đang trơ trọc dần đi, nói một cách khác, là dần rỗng ruột.

Đà Lạt, xứ sở của ngàn thông. Những năm qua, thành phố vẫn có chủ trương trồng thêm thông mới bên cạnh lớp thông đang già đi. Nhưng có lẽ, số thông non mọc lên không thể nào kịp với tốc độ của những cánh rừng thông bị tàn phá. Những kẻ phá rừng có rất nhiều mánh khóe để khiến cho những cánh rừng “biến mất” một cách từ từ để đến khi người ta nhận diện mối nguy thì rừng đã thành đồi trọc. Mới đây cả khu rừng thông 3 lá nằm cạnh trạm bảo vệ rừng, sát tỉnh lộ 275,  thị trấn Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng), gồm 170 cây thông khoảng 30 năm tuổi, trên diện tích khoảng 4.000m2 bị những kẻ phá rừng đổ thuốc diệt cỏ đến chết đứng.

Trước đó, cũng tại cảnh rừng này, 40 cây thông khác cũng đã bị tàn phá với cách thức như trên. Đổ thuốc diệt cỏ, xăng, axit vào các lỗ khoét trên thân cây đã trở thành một thủ đoạn quen thuộc của bọn phá rừng. Hồi đầu năm nay, cả một cánh rừng thông tuyệt đẹp hơn 100 cây thông ở Gia Lai cũng đã bị chết khô với cách thức như thế.

Ở Đà Lạt có một cái hồ mà dân du lịch phượt thường gọi nôm na là “Tuyệt tình cốc. Cái hồ ấy, vốn là của những người phá núi đá tạo ra. Muốn đi đến hồ phải xuyên qua hơn 5km đường rừng. Và nếu ai từng đi, sẽ thấy, cánh rừng thông dày, bên ngoài vẫn đẹp, tươi ngát, nhưng giữa lòng rừng, thông đã biến mất, thay vào đó là những đồi chè, cà phê mới toanh trùng điệp kéo dài vài chục héc ta. Hiện, những chiếc máy cẩu, máy kéo vẫn được đưa vào giữa lòng rừng, san phẳng những rừng cây để người ta làm… kinh tế.

Cũng ở Đà Lạt, nhiều người biết có một nghịch lý, đó là hễ một khách sạn, resort lớn được xây dựng tại đâu thì bỗng dưng những cánh rừng chung quanh đó từ từ thưa vắng. Và bên trong các khu nghỉ dưỡng sang trong, những sản phẩm gỗ sang trọng dần thành hình, được cửa xẻ và chế tạo ngay tại nơi cánh rừng biến mất.

Câu chuyện về những cánh rừng chết dần, mất tích ngay giữa thanh thiên bạch nhật vẫn còn đang tiếp diễn ở khắp nơi trên đất nước. Những cánh rừng chết đi, không chỉ bởi bàn tay tàn phá của những kẻ phá rừng chuyên nghiệp. Rừng chết còn bởi lòng tham của những kẻ muốn hưởng thụ những khúc gỗ rừng tươi mới. Và trên hết, là sự nhắm mắt, thờ ơ của những người mang nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Thật khó mà nói rằng, chính quyền các địa phương có thể không biết ai là kẻ đổ thuốc độc giết chết rừng thông, bởi sau khi tàn sát rừng, chính những kẻ ấy chắc chắn là người hưởng lợi. Rồi cả một khoảng rừng rộng lớn nhưng trong lòng đã biến thành những trang trại chè, cà phê hoành tráng, lực lượng chức năng ở nơi đâu?

Mùa lũ thì vẫn đang về, mỗi năm sức tàn phá một mạnh và hậu quả thương tâm hơn…

Đọc thêm