Phải kê khai tài sản ít nhất phải 3 đời?

(PLO) -“Khi khai báo tài sản, ít nhất chúng ta phải khai báo 3 đời, công khai ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được”, đại biểu (ĐB) Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) kiến nghị như vậy tại phiên họp Quốc hội (QH) ngày 7/11.
 
ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phát biểu tại phiên họp
ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phát biểu tại phiên họp

Ngày 7/11, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. 

Người dân bức xúc vì tham nhũng “vặt”

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nạn tham nhũng vặt mà theo ông đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào tất cả các ngõ, ngách của cuộc sống, xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, khác nhau. “Ngoài đường, người tham gia giao thông vi phạm được thông cảm, bỏ qua khi thỏa thuận nộp phạt trực tiếp, không lấy hóa đơn. Trong nhà trường, việc lạm thu, chạy lớp, đổi phong bì, thậm chí đổi tình để lấy điểm vẫn còn. Ở bệnh viện thì phải lo lót tay nếu muốn được điều trị cho người nhà tốt hơn. Tại cơ quan nhà nước thủ tục cũng không ít nhiêu khê, phiền hà”, ĐB liệt kê. 

Theo ĐB Hạ, nạn tham nhũng vặt đang làm băng hoại phẩm chất của một số bộ phận cán bộ công chức, gây nhiều bức xúc trong xã hội và đặc biệt nghiêm trọng là làm mất dần niềm tin trong nhân dân. “Con tàu đắm là vì nhiều lỗ rò nhỏ. Vì vậy, cần khắc phục ngay vấn nạn này”, ĐB nói. 

Cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng tham nhũng “vặt”, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên)  nêu dẫn chứng: “Các việc như thủ tục khai sinh, kết hôn, chứng nhận lý lịch, lên xã gặp ai, ở đâu, bao nhiêu... là tham nhũng “vặt”. Khi có chương trình, dự án đầu tư cho xã thì trâu, bò, dê, gà lại “đi lạc” vào nhà quan lãnh đạo. Khi xã có thiên tai bão lũ, nhân dân bị thiệt hại được cả nước, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân cứu trợ, giúp đỡ để bà con có miếng cơm manh áo qua cơn hoạn nạn thì danh sách đầu bảng để nhận những suất quà ấy lại là vợ con, dòng họ của cán bộ, công chức, rồi mới đến người dân”.

ĐB Trần Thị Dung cho rằng cần nhận diện rõ tham nhũng “vặt” của cán bộ, công chức tại xã cũng chính là hành vi tham nhũng để từ đó có biện pháp kiên quyết xử lý. “Nó làm hư hỏng nền công vụ ngay tại cơ sở, nó là một trong những nguyên nhân lớn làm cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn ngay tại cấp xã, người dân không mấy tin tưởng ở lãnh đạo. Vì vậy, nếu quan niệm “nhà dột từ nóc” là nguy hiểm thì “lũ lụt ngấm vào nền” còn nguy hại hơn rất nhiều. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng vững?”, ĐB phân tích. 

Cùng trăn trở về tình trạng tham nhũng, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng phải quy định khai báo tài sản 3 đời và công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy để người dân giám sát được. “Chúng ta phải công khai, nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội”, ĐB nói và đề nghị nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò cán bộ, công chức hoặc nhân dân và “ông nào có dấu hiệu tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ!”.

Xử lý nghiêm hành vi hành hung nhân viên y tế

Tại phiên họp, nhiều ĐB cũng bày tỏ lo lắng về các vụ việc hành hung bác sỹ, cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh xảy ra thời gian qua. Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2017 có 84 vụ việc xảy ra tại 37 địa phương xung quanh vấn đề này. Trong đó, về tính chất, các vụ gây rối trật tự là 39 vụ, với 66 đối tượng. Số vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế là 25 vụ với 37 đối tượng, trong đó đã truy tố 10 vụ, 10 đối tượng, xử lý hành chính 11 vụ, 19 đối tượng và đang điều tra 4 vụ, 4 đối tượng. 

Trước tình hình này, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương phối hợp với ngành Y tế tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh; ngăn chặn các vụ và những hành vi gây rối, hành hung bác sỹ, nhân viên y tế. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện cũng như lực lượng công an ở các địa phương tập trung tiến hành một số công việc để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho bác sĩ, cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân và người dân. Công an các địa phương cũng đã khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc, đối tượng hành hung truy sát các bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và đề xuất xử lý nghiêm trước pháp luật… 

Trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân năm 2017 tại phiên họp buổi chiều cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình KN,TC của công dân có giảm so với năm 2016. Trong đó, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KN,TC, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn KN,TC giảm 8,9%; tổng số vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8% nhưng số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4% trong tổng số đơn khiếu nại, còn trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 62,3%.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình hình KN,TC vẫn là những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

“Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết KN,TC, nhất là từ cơ sở; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực KN,TC cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Đọc thêm