Xử lý cán bộ kiểu 'rút kinh nghiệm một cách sâu sắc' chỉ là 'bùa phép' đánh lừa dư luận

(PLO) - Câu chuyện thời sự, vấn đề gây chú ý là việc ông Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình tát tài xế đã xin từ chức trước khi bị kỷ luật.
Trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình. Ảnh: zing.vn
Trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình. Ảnh: zing.vn

Dư luận không thể đánh giá ông là người liêm sỉ, biết tự trọng và như một dẫn chứng thuyết phục cho văn hóa từ chức đã hình thành chính trường. Bởi lẽ, khi ông biết chính xác hình thức kỷ luật dành cho ông là “cảnh cáo” và không phải chỉ một hành vi phản cảm là tát lái xe mà còn một loạt vi phạm khác về lối sống, đạo đức, bổ nhiệm cán bộ...

Rõ ràng, hành vi tát chỉ là “giọt nước tràn ly” phô bày những sai phạm mà thôi! Dù sao, sự từ chức của ông cũng thể hiện việc ứng xử “biết mình, biết người”, không trâng tráo cố thủ và ra sức biện minh mình không sai khiến dư luận bất bình.

Ở một động thái khác, tại Bắc Giang, những cán bộ mắc nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, làm trái nghị định Chính phủ, thu hồi đất và phân lô, bán nền... nhưng chỉ phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” chứ không bị bất cứ một hình thức kỷ luật nào. Thậm chí, có cán bộ chủ chốt ở địa phương gây ra sai phạm giờ lên chức to hơn chẳng ai động đến cả!

Dẫn ra hai sự việc trên để so sánh cái nghiêm và không nghiêm trong xử lý sai phạm của cán bộ. Ninh Bình hoàn toàn có thể yêu cầu ông Giám đốc “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” vì trót tát tài xế trong lúc nóng giận, ông đã xin lỗi và anh này đã bỏ qua, vì thế “rút kinh nghiệm” đủ và chẳng ai bị hề hấn gì, lại được tiếng là “biết giữ cán bộ”.

Thế nhưng, Ninh Bình quyết liệt trong chuyện này và ông Giám đốc buộc phải xin từ chức. Bắc Giang thì không, nói là “nghiêm túc rút kinh nghiệm” nhưng rõ ràng việc xử lý cán bộ vi phạm không hề nghiêm túc chút nào. Cái cách “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” tưởng chừng như đã lỗi thời, người ta đã biết tỏng tòng tong đó chỉ là “bùa phép” đánh lừa dư luận, thế mà nó còn tỏ ra đắc dụng lắm. Chính vì cách xử này mà nảy ra những phát kiến, đúc rút chỉ có ở Việt Nam: Sợi dây rút kinh nghiệm là dài nhất, rút mãi không hết; con đường dài nhất là từ lời nói đến việc làm và con đường ngắn nhất là từ dạ dày ra nghĩa địa.

Nếu cứ xử lý cán bộ vi phạm theo kiểu này thì không khác gì việc hút nước chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ở TP Hồ Chí Minh. Lúc thử nghiệm máy bơm khổng lồ thì rất tốt, phút chốc đường đã hết ngập, khi chính thức vận hành thì bơm cả tiếng ngập vẫn hoàn ngập. Và nhiều người cho rằng đã có kẻ bí mật bít hết đường cống nhằm vô hiệu hóa việc thoát nước này!

Đọc thêm