Án phạt nào cho các công trình xây dựng không phép tại các di tích?

(PLO) - Một điều lạ là, các công trình sai phép có quy mô hoành tráng ở các di tích lại đều qua mặt các nhà quản lý dễ dàng. Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao ở những di tích này, “vải thưa vẫn che được mắt thánh”? Lý do gì khiến các cơ quan chức năng dễ dàng bị… qua mặt?. Và án phạt nào đối với những cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?.
Án phạt nào cho các công trình xây dựng không phép tại các di tích?

“Vải thưa” vẫn… che mắt 

 Từ nhiều tháng qua, ngay trong vùng lõi di sản, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2016 bỗng mọc lên một công trình “khủng” không phép. Theo đó, tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên), Công ty CP Du lịch Tràng An đã tự ý khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép để “làm đường lên đỉnh Huyền Vũ - nơi vua lập đàn kính thiên”.

Công trình đó được “mọc lên” với quy mô lớn, hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, hơn 2.000 bậc thang, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài toàn bộ con đường lên xuống là hơn 1km. Ngoài ra, công ty tự ý xây đền thờ, nhà vệ sinh... Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam, vi phạm điều 13 của Luật Di sản văn hóa.

Còn nhớ, cuối năm 2015, tại khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) hay còn gọi là chùa Hương (được công nhận là khu di tích cấp Quốc gia từ năm 1962), một công trình hoành tráng, sừng sững tọa lạc trong khu vực trung tâm của chùa Thiên Trù. Công trình mới này được gọi là Hương nghiêm pháp đường có quy mô lớn với hai tầng mái, mỗi chiều 25m, có diện tích mặt sàn khoảng 400m2, mái ngói đỏ.

Toàn bộ cầu thang và lan can đều được làm bằng đá, có trang trí hoa văn và đặc biệt là xung quanh lối vào công trình này có gắn nhiều vật trang trí như những bức phù điêu được tạo hình khác lạ kiểu đầu nửa rồng, nửa voi, cùng những tòa tháp nhỏ được trang trí xung quanh tòa nhà. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội khẳng định công trình kiến trúc tại chùa Hương xây dựng trái phép, nằm trong vùng lõi của di sản - phạm vi bảo tồn nguyên trạng, phá vỡ cảnh quan di tích.

Trước đó, dư luận không khỏi bất bình khu di tích Yên Tử bị xâm hại. Công ty Tùng Lâm tự ý tháo dỡ điểm thờ tự tại chân ga cáp treo để xây mới nhà văn hóa của công ty ngay trong vùng 1 vùng bảo vệ đặc biệt của di tích). Diện tích xây dựng của công trình này rộng trên 260m2, được thiết kế như một ngôi chùa với 8 mái cong uốn lượn, choán hết không gian của sân ga cáp treo.

Đại diện UBND TP Uông Bí khẳng định công trình nhà văn hóa của Công ty Tùng Lâm đã xây dựng không phép. Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của danh thắng Yên Tử phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; phải được Cục Di sản phê duyệt kiến trúc, công năng. 

Vì sao các cơ quan chức năng không biết?

Một điều lại là, các công trình sai phép có quy mô hoành tráng ấy lại đều qua mắt các cơ quan quản lý dễ dàng hay nhà quản lý dễ dàng… ngó lơ! Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã bốn lần gửi công văn tới UBND huyện Hoa Lư đề nghị đơn vị này chỉ đạo yêu cầu dừng thi công công trình vi phạm và yêu cầu tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng di tích. Tuy nhiên, huyện Hoa Lư không có phản hồi. Làm việc với Thanh tra Bộ, lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư thừa nhận “có phần chưa sát sao, đôi khi buông lỏng” để xảy ra vi phạm trên.

Ở chùa Hương, năm 2011, Ban xây dựng chùa Hương khởi công và đến năm 2013 thì hạng mục công trình Hương nghiêm pháp đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Xây dựng cách đây 4 năm, 2 năm sử dụng, vậy mà, đầu tháng 11 năm 2015, các cơ quan quản lý từ địa phương tới Trung ương mới hay Hương nghiêm pháp đường xây dựng không phép. 

Quay trở lại khu di tích Yên Tử, ngày 12/9/2015, Công ty Tùng Lâm phá dỡ điểm thờ tự cũ tại chân ga cáp treo mà đến ngày 5/10/2015, Công ty mới có Văn bản số 212CV-TL xin UBND TP Uông Bí sửa chữa Nhà Văn hóa công ty. Nghĩa là, xây dựng công trình trước cả tháng rồi mới làm thủ tục? Lạ lùng hơn nữa, một công trình đồ sộ được thi công tới vài chục ngày đều qua mặt được tất cả các cán bộ trong Ban Quản lý Rừng và Danh thắng Yên Tử, phường Thượng Yên Công, UBND TP Uông Bí: phòng Văn hóa, Tài nguyên-Môi trường, Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng.  

Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao ở những di tích này, “vải thưa vẫn che được mắt thánh”? Lý do gì khiến các cơ quan chức năng dễ dàng bị… qua mặt? Chỉ tới khi truyền thông, dư luận phát hiện ra sai phạm, các cơ quan quản lý của những di tích này mới kiểm tra, quản lý theo kiểu… đuổi đuôi. Câu trả lời trước dư luận của các nhà quản lý từ trung ương tới địa phương luôn là: “Chúng tôi đang kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm khắc các vi phạm”. 

Án phạt vừa nhẹ, vừa thiếu

Theo luật, các chủ đầu tư vi phạm có thể bị xử phạt theo Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Khoản 4- phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại công trình văn hóa, nghệ thuật; Khoản 5- phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật; Khoản 6- phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. 

Các chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền, dù số tiền quá nhỏ so với những gì họ vi phạm. Án phạt đó chẳng khác nào “chổi lông gà quét bã cao su” khiến câu chuyện xâm hại di tích ngày một nhiều hơn. Và để những di tích quốc gia, những di tích đặc biệt bị xâm hại gây bức xúc dư luận, câu hỏi đặt ra, án phạt nào đối với những cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, “mũ ni che tai” để “con voi lọt qua lỗ kim”?

Đọc thêm