Băn khoăn quy định kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu

(PLVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều nay (24/5), QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
ĐB Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
ĐB Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Bổ sung quy định kỷ luật CBCC, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu 

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về kỷ luật CBCC, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, qua tổng hợp, ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. 

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, theo đó những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không... 

Về vấn đề này, Chính phủ nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại Điều 84 Luật CBCC (Áp dụng quy định của Luật CBCC đối với các đối tượng khác) (khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật). 

Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ, công chức. 

Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định. 

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với Chính phủ về việc bổ sung trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với CBCC sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. 

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tách nội dung này (hiện đang được bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn. 

Đồng thời, Ủy ban Pháp luật của QH cũng đề nghị phải làm rõ được nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Cần tính toán hình thức xử lý phù hợp

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Lê Thành Long (đoàn Kiên Giang) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp – nhận định quy định việc xử lý kỷ luật đối với CBCC về hưu “nói thì rất an toàn nhưng chưa có hướng để giải quyết”.

Theo ĐB Lê Thành Long, chức năng quản lý và chức danh của một con người gắn với tất cả các hành vi pháp lý mà người đó thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình theo quy định của pháp luật.

“Nếu bây giờ người đó đã về hưu mà chúng ta cách chức thì có vấn đề pháp chế chưa có cách để xử lý: Vậy những hành vi mà con người cụ thể đó thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách của mình theo luật định thì có còn giá trị pháp lý hay không?”, ĐB đặt câu hỏi và cho rằng Chính phủ có đề xuất nhưng chưa thấy được giải pháp hữu hiệu. 

ĐB Lê Thành Long đề nghị cân nhắc câu chuyện về hệ quả, tránh khả năng có thể dẫn tới kiện tụng bởi xét về tính pháp chế thì những hành vi đó là của một cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và thậm chí là ký các điều ước quốc tế. 

“Vậy tất cả những cái đó là vô hiệu hay không vì nguyên tắc là vô hiệu? Do đó, tôi đề nghị cái này cần phải tính toán theo hướng để xử lý kỷ luật bằng các hình thức nào đó chấp thuận được. Riêng việc gắn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ, một chức danh cụ thể nào đó trong giai đoạn người ta còn đương chức thì không nên”, ĐB kiến nghị.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết bà trăn trở từ lúc Chính phủ cách chức ông Vũ Huy Hoàng thì tất cả những hiệp định mà bộ trưởng này đi ký sẽ ra sao.

“Cách chức cả nhiệm kỳ thì coi như cả khóa XIII không có bộ trưởng này. Vậy ông ấy ký bao nhiêu văn bản liên quan thì sao? Ở đây không nói là không xử lý kỷ luật cho hạ cánh an toàn, là đảng viên thì phải xử lý nhưng cách cả chức như vậy thì hậu quả thế nào? Tất cả các văn bản đã ký xóa hết? Do vậy phải tìm cách nào để xử lý cái này. Giai đoạn này không nói hạ cánh an toàn, về hưu cũng phải bị xử lý nhưng vấn đề là khi đưa vào luật thì phải xử lý như thế nào để có tính pháp lý cao chứ không khéo thì hệ lụy của việc xử lý này sẽ kéo theo một loạt vấn đề về cơ sở pháp lý. Phải hồi tố như thế nào cho phù hợp”, ĐB đặt câu hỏi.

ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng quy định kỷ luật CBCC đã về nghỉ hưu là nên làm để đảm bảo sự nghiêm minh với những người đã vi phạm đến mức phải kỷ luật, không để họ “hạ cánh an toàn”. 

“Vấn đề là hưu rồi thì cách chức thì giá trị pháp lý của các quyết định của chức danh đó trong thời gian người ta đang giữ chức ra sao?”, ĐB đặt câu hỏi và đề nghị quy định thời hiệu cách chức là từ thời điểm khi CBCC đó về nghỉ hưu.

Sẽ không còn hình thức kỷ luật giáng chức?

Về hình thức kỷ luật “giáng chức”, dự thảo Luật Chính phủ trình đề xuất bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” đối với công chức. Thẩm tra nội dung này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì cho rằng về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật CBCC hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

ĐB Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cho rằng không nên quy định giáng chức mà cần cách chức vì người có chức vụ quyền hạn phải có tính gương mẫu, nhất là trung ương  đã có quy định về nêu gương.

“Chả nhẽ vi phạm lại giáng chức xuống chức thấp hơn vậy có đủ tiêu chẩn hay không? Lãnh đạo cao cấp giáng chức xuống dưới cũng không đủ tiêu chuẩn vì thiếu tính gương mẫu. Như vậy bố trí việc làm làm sao? Do đó nên thực hiện cách chức thay vì giáng chức”, ĐB nói.

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) lại cho rằng việc không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ ít có lựa chọn khi xem xét kỷ luật.

“Khi không có sự lựa chọn thay thế thì trong nhiều trường hợp sẽ khó xử lý vì chúng ta chỉ có một lựa chọn là cách chức hay không cách chức, bây giờ cách chức thì quá nặng mà giáng chức thì không còn, vậy thì buộc phải giữ chức, như vậy tính nghiêm minh sẽ kém đi. Quy định như vậy cũng sẽ khó xử lý”, ĐB nói.

Đọc thêm