Bộ trưởng GTVT yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Vidifi trong vụ tai nạn ở Hải Dương

(PLVN) - Khu vực xảy ra vụ tai nạn là một “điểm đen” có cầu vượt cho người đi bộ, người dân thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt. Trên đường lại có một số làn vạch sơn không rõ. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi), đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường.
Toàn cảnh buổi họp báo vụ tai nạn xảy ra ở Kim Thành ngày 21/1.
Toàn cảnh buổi họp báo vụ tai nạn xảy ra ở Kim Thành ngày 21/1.

Tối qua, 21/1, tại buổi họp báo thông tin liên quan về vụ tai nạn thảm khốc làm 8 người tử vong và 7 người bị thương, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải làm rõ nguyên nhân, đồng thời phối hợp với địa phương tập trung cứu giúp, điều trị cho các nạn nhân đang cấp cứu tại bệnh viện như cử đội ngũ bác sỹ giỏi nhất, có kinh nghiệm để cứu chữa nạn nhân…

Theo Bộ trưởng, khu vực xảy ra tai nạn được coi là một “điểm đen” về tai nạn giao thông khi có cầu vượt dành cho người đi bộ. Người dân lại thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt. Do vậy, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, yêu cầu Tổng Cục đường bộ phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của Vidifi trong vụ tai nạn nghiêm trọng trên vì qua kiểm tra tại khu vực xảy ra tai nạn có một số vạch kẻ phân làn giữa xe cơ giới và thô sơ đi bộ rất mờ, có chỗ vạch sơn không rõ và khẳng định: “Trách nhiệm thuộc về ai, phải làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trước thông tin doanh nghiệp là chủ của phương tiện gây ra vụ tai nạn không cung cấp thông tin, không chủ động cũng như phối hợp hợp tác với cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ làm việc, xác minh thông tin, Bộ trưởng GTVT nói rằng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia rất đặc biệt quan tân tới trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và lái xe gây tai nạn.

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh rõ, nhất là bằng lái và nhân thân của lái xe, tình trạng sức khỏe của lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện. Đồng thời, tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao dữ liệu hành trình của chiếc xe gây tai nạn không được truyền về Tổng cục Đường bộ theo quy định…

Theo tìm hiểu, Quốc lộ 5 qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài khoảng 44km, bắt đầu từ Km33+720 xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) đến Km77+830 xã Kim Lương, huyện Kim Thành. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, hiện nay tình trạng mặt đường xuống cấp trầm trọng khiến tai nạn giao thông tại đây ngày một gia tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt xe lưu thông qua tuyến đường này.

Quốc lộ 5 cũng là con đường sợ hãi với cánh tài xế bởi dọc hai bên tuyến đường có mật độ dân cư khá đông đúc cùng nhiều nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học, chợ, nhiều điểm giao cắt ngã ba, ngã tư khiến việc tham gia giao thông rất phức tạp, nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông luôn tiềm ẩn xảy ra. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hải Dương, đây là tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.

Quốc lộ 5 luôn quá tải với phương tiện hạng nặng thường xuyên lưu hành nhưng hạ tầng đường xuống cấp trầm trọng, dễ gây tai nạn.
Quốc lộ 5 luôn quá tải với phương tiện hạng nặng thường xuyên lưu hành nhưng hạ tầng đường xuống cấp trầm trọng, dễ gây tai nạn.

Ghi nhận của phóng viên tại đây cho thấy, hạ tầng trên tuyến đường còn nhiều bất cập: nhiều đoạn đường bị cào xới, hệ thống vạch sơn chỉ dẫn làn đường mờ, không được kẻ vạch trả lại nguyên hiện trạng khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, tại các ngã ba, ngã tư dù có đèn tín hiệu nhưng không có vạch chỉ dẫn làn đường nên không ít trường hợp điều khiển phưởng tiện giao thông đứng lung tung, chen chúc, lấn sang làn đường của nhau dẫn tới việc hướng đi bị chồng chéo, lấn làn.

Ngoài ra, hệ thống biển báo của thưa thớt. Ở những đầu đường nhánh ngã ba, ngã tư không có biển báo chỉ dẫn nhắc lại hoặc bổ sung. Tình trạng ùn tắc tại những vị trí này không phải là hiếm.

Một cán bộ thuộc Trạm CSGT Ba Hàng (Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, nhiều đèn tín hiệu ở các ngã ba ngã tư không đồng mức, vạch kẻ đường không có khiến các phương tiện dừng đèn đứng không theo quy củ, vị trí nào, mạnh ai người nấy đi.

Từ những bất cập đó dẫn đến công tác xử lý các vi phạm tốc độ, sai làn đường của lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào giờ cao điểm, khi công nhân ở các khu công nghiệp tan làm, mật độ tham gia giao thông tại các ngã ba, ngã tư tăng cao đột biến.

Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tìm ra biện pháp khắc phục những bất cập trên nhưng tình hình chưa có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 21/1 tại huyện Kim Thành.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 21/1 tại huyện Kim Thành.

Được biết, trước đây, Quốc lộ 5 do Tổng cục Đường bộ khai thác và quản lý, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng được lấy từ Qũy bảo trì đường bộ quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 2016, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) được giao quản lý và khai thác tuyến đường này.

Việc thu phí trên Quốc lộ 5 nằm trong phương án tài chính đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Vidifi được thu phí trên Quốc lộ 5 để thu hồi vốn đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và không phải bỏ chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Đọc thêm