Cần kịp thời phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương

(PLVN) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt khi kiểm tra 12 Bộ, cơ quan về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 và tình trạng nợ đọng văn bản, chiều (22/3).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt ý yêu cầu của Thủ tướng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt ý yêu cầu của Thủ tướng

Các Bộ, cơ quan còn nợ 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng  - Tổ trưởng tổ công tác cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản còn nợ đọng để hướng dẫn các luật, pháp lệnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện các Bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng. Chính từ đây sẽ cản trở việc tăng trưởng của đất nước.

Truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng yêu cầu 5 nội dung.

Thứ nhất, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thứ hai, các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. “Vừa qua, các Bộ được giao chủ trì xây dựng các luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã tích cực hoàn thành nhưng Thủ tướng nhắc các Bộ trưởng phải xem xét kỹ, tránh việc khi ban hành có những nội dung không thực tiễn, không đi vào cuộc sống, có sự chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn hơn, thủ tục trói buộc hơn, không quản được thì trói hay không quản được thì buộc, Thủ tướng nhắc đây là vấn đề rất quan trọng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thứ ba, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. “Vừa qua chúng ta đã cắt  bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng việc gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn, hay cắt điều kiện kinh doanh nhưng biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, từng cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải trách nhiệm, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống; phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua các Bộ, cơ quan đã nỗ lực xử lý tốt vấn đề văn bản nợ đọng, nhưng nếu không nỗ lực thường xuyên thì việc chậm trễ, nợ  đọng sẽ quay lại và trở thành rào cản với tăng trưởng. “Một số văn bản văn bản ban hành ra nhưng tính thực thi chưa cao như vấn đề của Luật Cạnh tranh còn nhiều kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng vị thế khống chế thị trường làm tổn thất chung cho xã hội. Hay một số văn bản tạo còn gây tranh cãi gây dư luận không tốt thậm chí bị phản ứng mạnh mẽ. Ví dụ như vấn đề nước mắm là vấn đề Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã chấn chỉnh rất nhanh.

 Bộ, ngành cần chủ động, bám sát tiến độ xây dựng văn bản

Bộ Tư pháp với vai trò “gác cổng” pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phan Chí Hiếu cho biết, thực tế qua theo dõi, trong tâm lý các bộ các ngành được giao chủ trì xây dựng chi tiết các văn bản pháp luật đều cho rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi trình dự thảo nên khâu chỉnh lý sau khi trình rất chậm. “Có những văn bản các Phó Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến rồi và có ý kiến thành viên chính phủ có ý kiến rồi nhưng việc trình vẫn chậm. Chính vì thế đề nghị VPCP tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ ngành về vấn đề này”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu 

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, để hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản các bộ, ngành cần triển khai công việc sớm và bám sát tiến độ. Theo Thứ trưởng, trong hai năm gần đây, Bộ Tư pháp cùng VPCP rà soát quy định của luật những nội dung cần thiết ban hành văn bản quy định chi tiết. Nhiều lúc, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo luật thì Bộ Tư pháp đã bắt tay làm. Chính vì thế luật vừa thông qua Thủ tướng đã ký quyết định giao nhiệm vụ. “Tuy nhiên, rất mong các bộ ngành đừng chờ quyết định của Thủ tướng mà ta cần chủ động vì Luật đó là do Bộ soạn thảo, trình.  Nếu ta chủ động thì sẽ khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản”, Thứ trưởng Hiếu bày tỏ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp qua theo dõi thấy rằng có nhiều văn bản quy định chi tiết có nội dung phức tạp nhưng các bộ không xin chủ trương sớm để rồi khi Chính phủ có ý kiến khác thì Bộ lại phải làm lại. Chính vì thế, với các chính sách khó, nhạy cảm các bộ ngành cần xin ý kiến của lãnh đạo Bộ, nếu thấy vấn đề lớn thì xin ý kiến của Chính phủ để thống nhất chủ trương. Tránh tình trạng làm đi làm lại nhiều lần sẽ không đảm bảo thời gian.

Về vấn đề phối kết hợp giữa các bộ ngành, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa và cần tích cực cho ý kiến nhất là những việc liên quan đến quản lý nhà nước của các bộ ngành. “Đối với việc lấy ý kiến các bộ ngành cơ quan soạn thảo cần tiếp thu và nếu không tiếp thu thì cần giải trình chặt chẽ. Có nhiều bộ than phiền cơ quan soạn thảo cứ lấy ý kiến nhưng không được tổng hợp đẩy đủ. Đặc biệt việc tiếp thu hạn chế, việc giải trình không chặt chẽ. Đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cầu thị”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Một vấn đề nữa các bộ ngành cần nâng cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ trình, chất lượng của dự thảo. Bộ Tư pháp thấy có nhiều hồ sơ gửi Bộ để thẩm tra thì thiếu rất nhiều.

Về trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp, Thứ trướng Phan Chí Hiếu khẳng định Bộ cam kết sẽ cố gắng hết sức đảm bảo tiến độ thẩm định. “Trong thời gian qua Bộ Tư pháp cơ bản đảm bảo yêu cầu thời gian thẩm định. Mong các bộ ngành chia sẻ, hồ sơ nào hoàn thành thì chuyển sớm cho Bộ cái đó đừng để dồn vào những thời gian chuẩn bị phiên họp thường Chính phủ các vị trình thì chúng tôi xoay không kịp”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.

Đọc thêm