Còn văn bản trả lời cử tri thiên về trích dẫn quy định, không giải trình thấu đáo

(PLVN) - Dù công tác trả lời, giải quyết KNCT đều được các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri và cơ bản đảm bảo quy định về thời gian nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Hòa Bình, Bình Phước cho rằng, nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH đã tập hợp được 2.293 kiến nghị và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Cử tri bất bình trước hiện tượng gian lận

Trong đó, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của QH (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 94,81%); 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) (chiếm 2,44%); 6 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%). Đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển .

Trong đó, về mục đích ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) rà soát, hoàn thiện các quy định về thể lệ, tiêu chuẩn đối với các cuộc thi sắc đẹp, đảm bảo mục đích tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, có trí tuệ, nhan sắc, đạo đức và lối sống lành mạnh; đồng thời thận trọng hơn trong việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp; có quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp sau khi đạt giải, nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu để đảm bảo tính nghiêm minh. 

Cử tri kiến nghị tránh tình trạng như vừa qua, tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi. Một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải (như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được...) đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục nhất là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

Đồng tình với phản ánh của cử tri, Bộ VHTT&DL nhận thấy, hiện nay một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp  và hiện Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019. 

Về vấn đề tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) và xét tuyển sinh đại học: cử tri TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) luôn thay đổi đề án thi THPTQG và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này. 

Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPTQG để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. 

Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương  về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non,...

Kiểm tra, giám sát chặt việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ 

Về tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, cử tri TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... phản ánh công tác quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều sai phạm, đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bố trí, tinh giản bộ máy theo hướng gọn nhẹ; quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính. 

Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin đến cử tri về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế quy định về công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua, các giải pháp đã và đang thực hiện để tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ... xem xét việc thực hiện thí điểm một số mô hình nhằm tinh giản bộ máy; các kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính và một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới... 

Cử tri các địa phương TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Định... đề nghị kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nếu phát hiện trường hợp kê khai không đúng với thực tế cần xác minh rõ ràng, nếu là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc đề nghị thu hồi toàn bộ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc...và đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, có biện pháp hiệu quả thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát. 

Thanh tra Chính phủ đã thông tin với cử tri  về việc Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới được Quốc hội thông qua, Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các quy định nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản; đặc biệt là sẽ kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Văn bản trả lời còn chung chung

“Qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành kết hợp với nhận xét, đánh giá của 63/63 Đoàn ĐBQH cho thấy, về cơ bản các Bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hải, dù công tác trả lời, giải quyết KNCT đều được các Đoàn ĐBQH đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri và cơ bản đảm bảo quy định về thời gian nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Hòa Bình, Bình Phước đánh giá, nhận xét cho rằng, nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không giải trình thấu đáo.

Một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc đầu tư vốn cho các công trình thường được trả lời chung ở dạng “theo kế hoạch” trong khi cử tri cần biết thời điểm cụ thể khi nào kế hoạch được thực hiện; nhiều KNCT có căn cứ nên đã được các Bộ, ngành tiếp thu, để xử lý, giải quyết, tuy nhiên quá trình giải quyết quá lâu gây bức xúc cho người dân. 

Một số kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm giải quyết của nhiều ngành nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên kết quả giải quyết chưa đạt chất lượng, thời gian cử tri chờ đợi kéo dài. 

Một số nội dung cử tri hỏi đã có văn bản trả lời của các Bộ, ngành, tuy nhiên sau đó các Bộ, ngành chưa quan tâm đến việc đôn đốc, tổ chức thực hiện hoặc tiếp tục để xảy ra các trường hợp tương tự, do đó cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị qua nhiều kỳ họp.

Đọc thêm