ĐBQH đánh giá cao Bộ trưởng GD&ĐT nhận trách nhiệm người đứng đầu trong vụ gian lận thi cử

(PLVN) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 31/5, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội sáng cùng ngày đã thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục; cơ bản giải quyết được một số băn khoăn của ĐB.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phần giải trình của Bộ trưởng GD&ĐT trước QH đã cơ bản giải quyết được một số băn khoăn của ĐB về thi THPT quốc gia và nạn bạo lực học đường. 

Theo ĐB, Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào vấn đề, có quan điểm rõ về trách nhiệm của ngành giáo dục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu là Bộ trưởng GD&ĐT trong vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018. 

“Đó là sự cầu thị rất đáng được ghi nhận. Tất nhiên, vướng mắc thì nhiều và khó có thể làm rõ và giải quyết thỏa đáng ngay trong 7 phút giải trình. Do vậy, tôi nghĩ rằng có một số vấn đề mà ĐB đặt ra sẽ là những gợi ý quan trọng để Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý trong thời gian tới ”, ĐB Hoa nói. 

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa.

Liên quan giải pháp khắc phục để đảm bảo chất lượng, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 được nhiều ĐB đề cập, ĐB Hoa đánh giá Bộ trưởng Nhạ trong báo cáo của mình cũng đã đưa ra được một số giải pháp cơ bản, khả thi như giải pháp khắc phục lỗ hổng phần mềm chấm thi, quy trình tổ chức thi; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, của các trường Đại học Cao đẳng và một số bộ ngành liên quan trong việc phối hợp cùng ngành giáo dục tổ chức thực hiện kỳ thi năm 2019; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát trong coi thi, chấm thi…

Về một số ý kiến chất vấn Bộ GD&ĐT rằng có đảm bảo được kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ không xảy ra gian lận như năm 2018 hay không, ĐB Hoa thẳng thắn nhìn nhận: “Rất khó để khẳng định với giải pháp này hay giải pháp khác, Bộ có thể chấm dứt được hoàn toàn tiêu cực trong thi cử”. 

ĐB nhấn mạnh, cần khẳng định rằng, trách nhiệm chính của Bộ là phải xây dựng cơ chế, quy chế thi thật chặt chẽ, chuẩn bị kế hoạch, nhân lực, các điều kiện kỹ thuật bảo đảm thật đầy đủ và triển khai tập huấn, quán triệt một cách nghiêm túc trong toàn ngành, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế các tiêu cực. Còn kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. 

“Ở đây phải nói tới trách nhiệm của chính quyền địa phương, bộ ngành liên quan, các trường Đại học, cao đẳng; và trên cả là trách nhiệm của từng cá nhân tham gia vào từng công đoạn của kỳ thi”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói. 

Còn theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), điểm đáng ghi nhận đầu tiên trong phần giải trình của Bộ trưởng GD&ĐT là Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục những vấn đề liên quan đến gian lận thi trong thời gian tới. 

Vị ĐB này cũng đánh giá cao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về cách trả lời rạch ròi những vấn đề mà ĐB và cử tri quan tâm. 

“Tất nhiên, phần trả lời trong vòng 7 phút có thể thỏa mãn được đại biểu này, nhưng chưa thỏa mãn với đại biểu khác. Cá nhân tôi thì thấy hài lòng”, ĐB Phương cho biết.

ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cũng đánh giá cao việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và tỏ thái độ kiên quyết khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức thi THPT và một số nội dung khác. 

Song, ĐB Xuyền cũng cho rằng phải nhìn nhận khách quan là những vấn đề của giáo dục không thể 1-2 ngày là thực hiện được và thấy ngay kết quả. 

“Tôi cho rằng với giáo dục cần phải có thời gian, chúng ta không nóng vội “một sớm, một chiều mà có thể xoay chuyển ngay được”. Tất nhiên, những vấn đề mà cử tri, ĐB yêu cầu thì ngành giáo dục cũng cần phải xem xét lại để thực hiện tốt hơn”, ĐB nói.

Đọc thêm