Đổi mới, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị: Quyết tâm lấp khoảng trống về quyền lực và trách nhiệm

(PLO) - Khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII), khi đề cập đến một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, cơ cấu bên trong chưa hợp lý. 
Tinh giản biên chế là bài toán lớn cần giải quyết có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người. (Ảnh minh họa)
Tinh giản biên chế là bài toán lớn cần giải quyết có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người. (Ảnh minh họa)

Những tồn tại trên đã dẫn đến hệ lụy đáng lo ngại là tổ chức bộ máy hành chính nói riêng, hệ thống chính trị nói chung có những khoảng trống về quyền lực và trách nhiệm.

Càng cải cách càng phình to

Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Bí thư về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) diễn ra vào cuối năm 2017, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã nêu dẫn chứng từ thực tế: các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Chính phủ Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ thì nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất. Đối với hệ thống chính quyền địa phương, năm 1986, thời điểm bắt đầu đổi mới, cả nước có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, đến nay đã có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng thêm 19; tăng 178 đơn vị cấp huyện, 1136 đơn vị cấp xã.

Không cần tranh luận nhiều, những con số này cũng đã nói lên thực trạng “càng cải cách thì bộ máy càng có xu hướng phình to”. Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, … Và, năm nào cũng vậy, trong các phương hướng hành động, bộ ngành nào cũng nêu quyết tâm giảm biên chế, nhưng trên thực tế thì việc tinh giản biên chế mới tập trung ở đối tượng nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc…mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. 

Điển hình là tình trạng các bộ, ngành và địa phương thực hiện tinh gọn bộ máy theo hướng sáp nhập một số vụ, cục, ban, ngành…. Bằng con mắt cảm quan, ai cũng cho rằng các đầu mối đã được tinh gọn hơn trước. Tuy vậy, vấn đề lại nảy sinh ngay sau đó, bởi mặc dù giảm đầu mối, nhưng về tổ chức bộ máy, biên chế lại không giảm, thậm chí có đơn vị còn tăng lên. Tình trạng bộ trong bộ, cục trong cục ngày càng xuất hiện nhiều trong những năm gần đây. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của những đơn vị này còn không ít trùng lặp, chồng chéo; cùng một công việc nhưng có nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện, và đến khi quy trách nhiệm thì không biết cơ quan nào làm đầu mối. Đây chính là khoảng trống về quyền lực và trách nhiệm đang tồn tại lâu nay.

Không chỉ quyết tâm - phải hành động!

Khi nói đến tinh gọn bộ máy tức là động chạm đến lợi ích của từng con người, thậm chí có cả lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận đây là công việc rất khó khăn: “Bộ Chính trị nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân…liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”. 

Ngay cả nghị quyết Trung ương và nghị quyết Quốc hội đều đã đề cập rõ tình trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp, nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa được  mong muốn. Đáng nói là dù cấp trên quyết liệt nhưng tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn diễn ra ở một vài nơi. “Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?”- đưa ra câu hỏi này, nhưng rồi chính ông Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính tự trả lời: “Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế. Vì sao vậy? Vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng rất trăn trở về vấn đề này, theo ông, việc xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phải tiến hành “một cuộc cách mạng” về tổ chức- đây là sứ mệnh mang tính sống còn của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay. “Cuộc cách mạng” trong cải cách bộ máy được hiểu là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu. Đã là cuộc cách mạng thì chắc chắn phải có sự hy sinh, một sự quyết tâm lớn mới có thể làm được. “Có quyết tâm thì càng tốt. Cái chính là phải hành động”- nguyên Tổng Bí thư chỉ rõ.

Vậy phải giải quyết bài toán về bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc hiện nay như thế nào? “Phải chăng cần đặc biệt chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội?”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ngay sau Hội nghị này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” với mục tiêu tổng quát là tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. 

…Và thấu lý, đạt tình

Tất nhiên, dù “quyết tâm cao, hành động quyết liệt”, nhưng việc tinh gọn bộ máy không thể nói là làm ngay được. Vì thế, Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ ra: Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

Thực hiện chủ trương trên, trong ngày đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…Trong Nghị quyết này Chính phủ đề ra quyết tâm nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục... Cùng với đó là hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. Dừng việc giao bổ sung biên chế; chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. 

Chính phủ cũng nêu quyết tâm trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 01/NQ-CP đã đề ra thì việc đổi mới trước hết phải bắt đầu từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay. Bên cạnh đó, ngoài sự quyết liệt của cấp trên cũng cần có cả sự “hy sinh” về mặt quyền và lợi ích mà nhiều người, nhiều ngành không muốn buông ra. Nói như PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị  Quốc gia Hồ Chí Minh) thì đây cũng là bài toán lớn cần giải quyết sao cho có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người.

Cũng chính bởi vậy, vấn đề quan trọng hơn cả sau khi sắp xếp lại bộ máy là phải chọn ra được những người thực sự có năng lực và phẩm chất đạo đức để các đối tượng bị điều chỉnh “tâm phục khẩu phục”. Đồng thời, cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp với những người thuộc diện tinh giản. Có như thế chủ trương tinh giản biên chế mới thấu lý, đạt tình.

Đọc thêm