Dự án cao tốc Bắc-Nam: “Nhân dân cả nước đang xem chúng ta có làm được hay không?“

(PLVN) - Sáng nay (21/2) tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020".
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ bước đầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng cũng như những vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam.

Thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, mang tính kết nối, là động lực cho phát triển kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hệ thống đường cao tốc Việt Nam. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập dự án tiền khả thi để báo cáo Bộ Chính trị, TƯ, Quốc hội và đã được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư.

Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, 08 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Đến nay, các phần việc của dự án đã được triển khai gấp rút, đáp ứng yêu cầu tiến độ, bảo đảm chất lượng, thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành TƯ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương lãnh đạo các địa phương đã rất tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện. Các địa phương đều đã thành lập được Hội đồng GPMB do đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách.

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được tuy rất quan trọng nhưng mới chỉ là khâu chuẩn bị, là cơ sở để thực hiện quá trình đầu tư dự án. Ông cho rằng còn rất nhiều việc phải làm và nhấn mạnh mục tiêu phải triển khai nhanh, cơ bản hoàn thành vào năm 2020-2021. Muốn vậy, năm 2019 phải khởi công được một số đoạn, tuyến.

Dự án cao tốc Bắc-Nam: “Nhân dân cả nước đang xem chúng ta có làm được hay không?“ ảnh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng những kết quả đạt được là rất quan trọng, nhưng mới là khâu chuẩn bị.
  

Cho rằng công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt, quyết định đến tiến độ thi công, nhưng  Phó Thủ tướng cũng lưu ý không vì công tác bồi thường, GPMB mà ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. “Bộ chính trị, TƯ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân cả nước đang nhìn vào chúng ta, xem liệu chúng ta có làm được hay không?”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung tối đa để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban QLDA và các cơ quan chức năng bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết và tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác GPMB.

Tổ chức triển khai ngay công tác cắm mốc GPMB, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt, hoàn thành vào quý II/2019; phối hợp với các địa phương trong việc bảo đảm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công khai phương án chi tiết GPMB theo quy định; thực hiện tốt chế độ phối hợp và cung cấp thông tin với chính quyền và các cơ quan có liên quan của địa phương, bảo đảm minh bạch các thông tin về dự án đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây dựng; báo cáo kịp thời các tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách ảnh hưởng đến công tác GPMB, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ chính là GPMB, giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công; hỗ trợ, cung cấp các nguồn vật liệu cho dự án; bảo đảm an toàn, an ninh, không để xảy ra điểm nóng trong quá trình đầu tư dự án.

Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo Chủ đầu tư dự án thành phần GPMB và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, hợp lý của người dân.

Thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định của pháp luật (hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp).Cùng với đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm trong công tác GPMB để bảo đảm tiến độ dự án.

Đọc thêm