Giám sát, phản biện: Phải có quyết tâm cao, không ngại va chạm

(PLVN) - Sáng nay (22/2), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị (khóa 11) về thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước. 
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện đến cùng trách nhiệm

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, các quyết định trên được xem là cơ sở cần thiết, quan trọng để cụ thể hóa quyền, trách nhiệm về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam...

Nhờ có cơ chế khá đầy đủ, toàn diện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên.

“Tôi đánh giá cao và biểu dương đối với kết quả giám sát, phản biện xã hội, góp ý thông qua các con số và việc làm cụ thể, ấn tượng trong dự thảo báo cáo. Đặc biệt, đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân”- ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời cho rằng đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Mặt trận, việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự kỳ vọng của Nhân dân. 

Nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội gắn với việc phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng các cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất giữa những người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, từ đó mới có thể kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn. 

“Ở một số đơn vị, việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo quy trình, nặng về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cao của người dân, chưa thực sự phát huy tính tích cực của nhân dân, huy động ý kiến nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”- ông Trần Văn Vinh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ rõ.

Nắm chắc đối tượng cần giám sát

Dẫn bài học thực tế từ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Dương Cao Thanh cho biết, nét mới trong hoạt động phản biện xã hội của Hà Nội là tất cả các nội dung phản biện đều được Mặt trận TP thực hiện khảo sát thực tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện các Quyết định.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện các Quyết định.
  

Theo đó, để phản biện dự thảo Nghị quyết “Quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường”, đoàn khảo sát đã xuống tận các trường Mầm non gặp gỡ, thu thập ý kiến của nhiều phụ huynh, học sinh. Hoặc như đối với vấn đề xử lý chất thải trên địa bàn thành phố- một vấn đề gây nhiều bức xúc với người dân thủ đô- đoàn khảo sát đã đến bãi rác Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây và bãi rác Nam Sơn - huyện Sóc Sơn để giám sát thực tế, gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng nhằm thu thập ý kiến, kiến nghị.

 “Do được khảo sát thực tế nên các ý kiến tham gia tại hội nghị phản biện xã hội đều bám sát thực tiễn, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào xây dựng văn bản của các cấp chính quyền sát với thực tiễn”, ông Dương Cao Thanh cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, ông Vũ Thành Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, các nội dung giám sát không được thực hiện dàn trải, mà phải xác định được trọng tâm, trọng điểm, rõ đối tượng, nội dung; phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng thời phải có quyết tâm cao, không ngại va chạm; phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả, không “đánh trống bỏ dùi”.

Để đạt được kết quả cao, theo ông Vũ Thành Lưu, trước khi giám sát phải tiến hành thu thập thông tin, khi cần thiết có thể tổ chức khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình một cách cụ thể chính xác, nắm chắc đối tượng cần giám sát để có ý kiến, kiến nghị cụ thể và thuyết phục. Bên cạnh đó cũng liên hệ với cơ quan chức năng, chuyên gia ở lĩnh vực mình giám sát để nắm thêm tình hình, cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho việc kiến nghị...

  Nâng cao tính khả thi của các đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai đề nghị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện từ khâu nghiên cứu, lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, phản biện. Đặc biệt, cần quan tâm đến những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống nhân dân, những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, những vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân; nâng cao tính khả thi của các đề xuất, kiến nghị, tăng sự tin cậy của Đảng, chính quyền, nhân dân đối với các hoạt động này.

Trưởng ban Dân vận cũng lưu ý phải nâng cao năng lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội khi tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm, có sự hỗ trợ cho cấp xã, huyện trong tổ chức hoạt động giám sát, phản biện. 

Về phía UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, có đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm đối với hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về những kinh nghiệm, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả.  

 Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã tổ chức được 82. 865 cuộc phản biện xã hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phản biện xã hội được 4048 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được 15.064 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phản biện xã hội được 63.753 cuộc

Đọc thêm