Giám sát thực hiện pháp luật trong lĩnh vực báo chí - tại sao không? Kỳ 3: Tác dụng lớn của việc giám sát

(PLVN) - Giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực báo chí không chỉ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật đã thực sự tạo điều kiện tối đa cho báo chí tác nghiệp một cách đúng nghĩa hay chưa, mà còn chấn chỉnh lại hoạt động nghề nghiệp và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Một vụ phóng viên bị cản trở tác nghiệp
Một vụ phóng viên bị cản trở tác nghiệp

“Một mũi tên trúng nhiều đích”

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, tác dụng của việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí là rất lớn. Thứ nhất, giúp Quốc hội kiểm tra lại quy định trong Luật Báo chí hiện nay đã thực sự tạo điều kiện tối đa cho báo chí tác nghiệp một cách đúng nghĩa hay chưa? Thứ hai, là việc chấp hành pháp luật về báo chí của các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, của từng phóng viên và cả đối tượng chịu sự điều trần của báo chí đã nghiêm túc chưa, đúng luật chưa.

 Ông Lê Thanh Vân cho rằng, trên thực tế có hiện tượng lạm dụng quyền hạn của mình để can thiệp vào các phóng sự của các phóng viên, thậm chí lạm dụng quyền hạn cá nhân không bằng con đường chính thức mà gọi điện, nhắn tin để chi phối, bắt gỡ bài. “Cái đấy có đúng với sứ mệnh của quyền lực cá nhân họ được trao để đảm bảo việc duy trì một nền báo chí cách mạng chưa, hay đó là lợi ích nhóm?”, ông Vân đặt vấn đề. 

Từ thực tế trên, theo ông Vân, cần thiết phải có một cuộc giám sát để đánh giá lại mặt được, mặt chưa được trong các quy định hiện hành về báo chí; những mặt được, mặt chưa được trong hoạt động quản lý của các cơ quan báo chí…, trên cơ sở đó mới sửa đổi lại quy định cho chặt chẽ, chấn chỉnh lại hoạt động nghề nghiệp và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tán thành ý kiến trên, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Luật Báo chí ra đời đã được một thời gian nhưng chưa có đánh giá lại. “Chúng ta cũng thiếu sự đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc để một là kiểm điểm lại xem kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật này ra sao; hai là xem có vướng mắc, tồn tại hay hạn chế gì không? Đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, với sự ra đời của Luật An ninh mạng và những vấn đề rất mới, quyền hoạt động của báo chí là vấn đề Hiến định. Do đó, chúng ta phải xem xét, đánh giá lại”- ông Nhưỡng đề nghị.

Cho rằng hoạt động của báo chí hay các cơ quan khác đều phải tuân theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: kể cả hoạt động của tòa án cũng cần phải giám sát.

“Điều này có nghĩa là các hoạt động đó là một đối tượng giám sát chứ không có nghĩa là đưa báo chí vào giám sát để can thiệp vào hoạt động của báo chí hay để cấm báo chí làm việc này hay việc khác. Đã có Luật Báo chí rồi thì báo chí cứ làm theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải có ý kiến của Quốc hội rồi muốn đưa hoạt động của báo chí vào giám sát để “bịt miệng” báo chí”, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Giám sát để chỉnh đốn, tăng cường hoạt động

Với mong muốn hoạt động giám sát đem lại hiệu quả cao nhất, một số ý kiến đề nghị nên giao công việc này cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, bởi chức năng giám sát và phản biện đã được Hiến pháp 2013 cũng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể cho cơ quan này.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội, ông Lê Thanh Vân đề nghị: “Có thể không giám sát tối cao ở Quốc hội nhưng cần giám sát ở Thường vụ Quốc hội hoặc giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát, làm rõ mặt được, chưa được, thậm chí vi phạm để chúng ta chỉnh đốn, tăng cường hoạt động báo chí trong thời gian tới”.

Trong khi đó, Luật sư Lê Thiên - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Lê và liên danh lại đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách để thực hiện công việc trên. “Cơ quan này sẽ có quyền hạn và trách nhiệm, theo yêu cầu của các nhà báo và tòa soạn, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để hỗ trợ, bảo vệ nhà báo trong quá trình hành nghề, đặc biệt là hoạt động thu thập thông tin, thực hiện phóng sự, khảo sát hiện trường…

Bên cạnh đó, cơ quan này có quyền hạn trong việc tiếp nhận thông tin tố giác về những sai phạm của nhà báo, trực tiếp giải quyết các khiếu nại hoặc kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời điều tra, xử lý các vi phạm của nhà báo”- Luật sư Lê Thiên nêu quan điểm.

Lấy dẫn chứng từ thực tế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Lê và liên danh cho biết, các ngành nghề khác cũng đã triển khai mô hình tự giám sát, tự xử lý trong nội bộ ngành. Ví dụ như trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã phải thành lập Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để quản lý và xử lý các vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp.

“Vì vậy, việc thành lập cơ quan độc lập trong nội bộ ngành báo chí để nâng cao cơ chế tự chủ, tự xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong sự phát triển chung của ngành, tạo môi trường an toàn, công bằng để các nhà báo thêm yên tâm, vững tin công tác” - Luật sư Thiên khẳng định.

 “Phóng viên được cấp Thẻ nhà báo, họ đang đi hành nghề trên cơ sở của Luật Báo chí, vậy thì họ phải được coi là đang thực hiện công vụ, khi anh chống lại các nhà báo là đang chống lại cả Nhà nước, chống lại pháp luật chứ bản thân nhà báo không phải làm công việc cho cá nhân. Nếu không bảo vệ được như vậy và coi nhà báo cũng như những người khác thì  cần gì phải có Luật Báo chí”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đọc thêm