Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(PLVN) - Sáng 29/1, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã làm việc với TP Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI). 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề xuất xây dựng mô hình “TP công nghiệp”, tích hợp các dịch vụ phụ trợ để phục vụ người lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Đánh giá sự đồng bộ trong tiêu chuẩn công nghệ của Việt Nam còn chưa cao, Chủ tịch UBND TP lưu ý việc thu hút đầu tư công nghệ cao phải đi đôi với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về giá, chính sách ưu đãi hạ tầng đối với ngành nghề sử dụng công nghệ cao... 

Ghi nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiên, Hà Nội cần chuyển từ tăng cường thu hút đầu tư sang đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển toàn diện, coi nhà đầu tư là đối tác, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam. Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt là đặt yêu cầu cao hơn với đầu tư công nghệ. 

Theo Báo của UBND TP, tính đến ngày 31/12/2018, TP Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn FDI của TP đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau 30 năm mở cửa và hội nhập.

Vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đăng ký. Các dự án 100% vốn nước ngoài chiếm 80%, còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD. 

Giai đoạn 2019 - 2020, TP xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của tỉnh, TP trong vùng như lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; lĩnh vực sản xuất, gia công; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề…

TP quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI; tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa.

Cùng với đó, Hà Nội cũng xác định rõ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp.

Thông qua việc khảo sát tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu để xây dựng Đề án về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút, sử dụng FDI đến năm 2030” chất lượng và sâu sắc hơn. 

Đọc thêm