Hết thời 'xử lý nội bộ'

(PLO) -Những quy định mới đây của Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên đã cho thấy “đường tránh” vào xử lý nội bộ đã bị rào chắn lại.

Ngay cả những từ ngữ nhẹ nhàng cũng được thay thế cho đúng với sự thật hơn, không “cho thôi chức” mà là “cách chức”, không “xóa tên” mà gọi đúng bản chất sự việc là “khai trừ”. Đặc biệt, quy định rõ sai phạm đến mức nào thì kỷ luật ở mức đó, đáng phải xử lý hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không được “xử lý nội bộ” – phương thức quen thuộc, hiệu nghiệm cứu thoát  nhiều người khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Quan trọng nhất trong việc xử lý cán bộ sai phạm là phải công minh và kịp thời. Mới đây, Giám đốc bệnh viện ở Đắk Nông bị thanh tra phát hiện nhiều sai phạm trong xây dựng, mua sắm thiết bị y tế, quản lý thuốc... nhưng ông này không hề bị xử lý kỷ luật, kéo dài hơn 3 năm qua và “hạ cánh an toàn’ khi đủ tuổi hưu.

Lý giải điều này với báo chí, người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng ông này bị “bệnh tâm thần” mặc dù các chứng nhận về tình trạng sức khỏe của ông thì chẳng có từ nào là “bệnh tâm thần” cả.

Cùng thời điểm này, quá trình tố tụng đối với một nữ Tổng Giám đốc ở Hà Nội cố ý làm trái, dùng thủ đoạn chiếm đoạt hơn 350 tỷ đồng vẫn đang tiếp tục cho dù trong một thời gian dài nữ bị cáo 32 tuổi này luôn tỏ ra bị ngớ ngẩn, có những hành vi không bình thường. Tuy nhiên, các giám định pháp y đã kết luận bệnh nhân ý thức được các việc mình làm và cơ quan Công an khẳng định, bị cáo phải tiếp tục bị xét xử. “Giả bệnh thần kinh” chỉ có thể thành công được khi được bảo vệ, che chắn thôi, “xử lý nội bộ” cũng chỉ áp dụng cho những trường hợp tương tự như vậy.

Có những “đại án” phải chỉ đạo quyết liệt thì mới đưa ra xét xử, như vậy, tính kịp thời đã mất đi cùng sự răn đe, cảnh báo. Giờ đã khác, khi gần như cùng một thời điểm vào tháng 01 năm 2017 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều sẽ đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng hầu tòa sau một thời gian ngắn.

Công minh, kịp thời sẽ luôn luôn mang lại những hiệu ứng tích cực khi tiến hành một cách công khai. Chính dư luận mang lại sức mạnh và ý nghĩa giáo dục cho việc xử lý cán bộ. Chấm dứt việc “xử lý nội bộ” cũng đồng thời xé bỏ bức màn ngụy trang được coi là “thông tin nội bộ”, lâu nay vẫn là rào cản cho việc tiếp cận thông tin của báo chí cũng như người dân.

Đọc thêm