Muốn người dân hài lòng, phải lọc 'cán bộ hành chính' từ 'đầu vào'

(PLO) - Đó là đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (TƯ MTTQ VN) tại Báo cáo chuyên đề thực hiện Chương trình phối hợp xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (Chương trình).
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nghị quyết 30c/NQ-CP phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu “bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%”.  

Hiện có 8/30 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự triển khai đo lường, công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết, dù một số ý kiến vẫn tỏ ra phân vân khi việc khảo sát chưa đi vào thực chất nhưng kết quả điều tra đã bước đầu góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng của chính quyền các địa phương có những quyết sách và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Qua thực hiện Chương trình, người dân cơ bản hài lòng đối với 6 thủ tục dịch vụ hành chính, trong đó thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn được người dân hài lòng nhất; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhận được sự hài lòng ít nhất. 

Trong thời gian tới, cụ thể là quý IV, 3 cơ quan (Ủy ban TƯ MTTQ VN, TƯ Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Bộ Nội vụ) sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình phối hợp triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.

Đặc biệt, sẽ đề xuất phương thức điều tra xã hội học, tham vấn hỏi ý kiến người dân và doanh nghiệp qua hệ thống mạng điện tử, theo phương pháp thuận tiện, đơn giản, thực chất, hiệu quả, tiết kiệm; tăng nhóm dịch vụ đánh giá chỉ số hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung vào nhóm dịch vụ người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ VN cũng đề xuất tới các bộ, ngành đẩy mạnh hình thức tiếp cận thông tin qua mạng internet cho người dân, nâng cao hơn nữa chất lượng các website, cập nhật thường xuyên và đầy đủ các thông tin.

“Các bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sớm có đề xuất cắt giảm một số thủ tục hành chính không cần thiết có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng quy chế thi tuyển kết hợp với tuyển chọn cán bộ, công chức nhằm sàng lọc cán bộ, công chức ngay từ đầu vào. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, thờ ơ, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân, tổ chức”- Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ VN đề nghị. 

Đọc thêm