Năng lượng sạch ở Trường Sa

(PLO) - Hiện nay, khắp các đảo nổi, đảo chìm ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nguồn nước ngọt, nguồn điện không còn là “bài toán không lời giải” của cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Hệ thống điện mặt trời và điện gió được xây dựng đã cung cấp tới 90% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động an ninh quốc phòng và sinh hoạt của các đảo.
Năng lượng sạch ở một góc đảo An Bang.
Năng lượng sạch ở một góc đảo An Bang.

Năng lượng sạch “phủ” khắp Trường Sa

Làm nhiệm vụ giữa biển khơi, xa đất liền, thời tiết khắc nghiệt, tai nạn rình rập, vì vậy, dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo còn không ít khó khăn. Thời tiết ở Trường Sa mưa, nắng thất thường. Các chiến sĩ trên đảo kể lại, nhiều hôm biển động, sóng to xô tràn nền nhà, lối đi,... đọng thành vũng trên mái nhà. Nhưng chính sự hoang dại của tự nhiên như năng lượng gió, bức xạ mặt trời là điều kiện lý tưởng để nơi đây xây dựng hệ thống năng lượng sạch quy mô, đồng bộ, khép kín hiệu quả. 

Trên đảo Sinh Tồn Đông có hệ thống tua bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, cánh quạt dài đến vài mét, sơn màu trắng rất bắt mắt. Các tua bin được bố trí xây dựng xung quanh đảo đón gió nhiều hướng để biến thành điện năng phục vụ nhu cầu con người. Hệ thống điện gió cùng hệ thống pin điện mặt trời được kết nối với trạm năng lượng để tạo thành lưới điện chung cung cấp cho đảo.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thịnh-Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Sinh Tồn Đông, trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng này, cuộc sống, sinh hoạt của anh em chiến sĩ rất vất vả, vừa thiếu điện lại thiếu nước, cán bộ, chiến sĩ luôn được quán triệt sử dụng tiết kiệm. Điện thì chủ yếu sử dụng máy nổ nhưng rất hạn chế. Khi đó, các hoạt động trên đảo bị ảnh hưởng rất lớn. Từ năm 2006 khi chủ động được nguồn điện (sử dụng điện từ hệ thống năng lượng mặt trời, gió), cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện rõ rệt. Bộ đội được xem tivi, nghe nhạc thoải mái; khi trời không có gió, vẫn có quạt điện để quạt mát...

Nguồn điện sinh ra từ năng lượng mặt trời và sức gió được sử dụng trực tiếp cho toàn bộ hoạt động trên đảo, từ chỉ huy đến chiến sĩ. Lượng điện thừa được nạp vào bình ắc-quy dự trữ, phòng khi năng lượng gió và ánh sáng mặt trời suy yếu, đặc biệt là vào những ngày mưa. Mùa gió nhiều thì điện dùng khá thoải mái, chỉ trong dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm mới phải điều tiết cho hợp lý hơn trong sử dụng điện.

Còn Trung úy Trần Công Vị - Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C chia sẻ, mặc dù dịp này, đảo phải điều tiết lượng điện sử dụng hàng ngày nhưng vẫn đủ điều kiện để cán bộ, chiến sĩ có đời sống văn hóa, tinh thần tốt nhất. Nhớ lại thời điểm giải đấu U23 Châu Á năm ngoái, nhờ có hệ thống điện và ăng ten tiếp sóng truyền hình, các chiến sĩ có thể theo dõi và cổ vũ trận thi đấu của các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam, cùng hòa chung niềm vui chiến thắng và lòng tự hào dân tộc với cả nước.

Nguồn nước ngọt ở đảo hiện nay đã không còn khan hiếm.
Nguồn nước ngọt ở đảo hiện nay đã không còn khan hiếm.

Là cư dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn Đông, chị Trần Thị Tị (38 tuổi, Khánh Hòa) bộc bạch, gia đình chị luôn được bảo đảm đầy đủ điện thắp sáng và sinh hoạt hàng ngày. Các cháu được xem tivi và tham gia các hoạt động cộng đồng vào các buổi tối. “Nhìn chung, cuộc sống đầy đủ, không khác ở đất liền nhiều. Chính sự đáp ứng đầy đủ về đời sống vật chất lẫn tinh thần ở nơi đầu sóng ngọn gió này giúp người dân chúng tôi vững tin hơn” - chị Tị nói.

Trường Sa không còn lo thiếu nước ngọt 

Sau điện, vấn đề thiết yếu là nước ngọt ở huyện đảo Trường Sa cũng được giải quyết tốt. Trước đây, khi chưa có hệ thống máy lọc nước ngọt và hồ chứa nước ngọt, lượng nước ngọt trên đảo rất hiếm, chủ yếu được cung cấp từ đất liền và từ nước mưa. Trên từng đảo phải dùng mọi cách để thu nhận và dự trữ nước mưa. Mùa nắng gắt, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được sử dụng khoảng 15 lít/ngày.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngoài hệ thống bể chứa nước dự trữ thì từ năm 2014, một số đảo được trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đơn giản và tiện lợi. Thiết bị này được đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả khá tốt. Nguồn nước đầu vào (nước biển) và đầu ra (nước ngọt) đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, mỗi giờ, thiết bị có thể lọc được 50 lít nước ngọt, hỗ trợ rất tốt nguồn nước sinh hoạt trên đảo, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, chủ động hoàn thành nhiệm vụ của bản thân và của đảo.

Tại đảo Tiên Nữ, nếu như trước đây, khan hiếm nước ngọt là điều thường xuyên thì nay với sự chung tay của đất liền, hệ thống RO lọc nước biển thành nước ngọt được vận chuyển lắp đặt, phục vụ nhu cầu sử dụng của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, công suất máy lọc nước tầm 70lít/giờ. Với hệ thống này, mỗi ngày đảo Tiên Nữ có thể lọc được 1m3 khối nước phục vụ cho việc tắm giặt, nấu ăn, đồng thời tận dụng nguồn nước thải để tưới rau, tăng gia sản xuất.

Đại úy Nguyễn Văn Nam - Phó Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, huyện đảo Trường Sa cho biết, hệ thống này gồm có các bộ phận bơm nước biển để dự trữ, sau đó nước sẽ đi qua 2 hệ thống quạt lọc. Sau đó, áp suất điều khiển đẩy nước đưa vào bình lọc để tái sử dụng.

Dự án biến nước biển thành nước ngọt tại huyện đảo Trường Sa được khiển khai từ năm 2015 đến nay không chỉ có Tiên Nữ mà hầu hết các điểm đảo đều đã được trang bị hệ thống lọc. Từ hệ thống lọc nước ưu việt này, nguồn nước sạch được tạo ra chủ động phục vụ đời sống sinh hoạt, tăng gia sản xuất của quân và dân trên đảo.

Nước sạch sau khi được sử dụng sẽ thẩm thấu vào đất tạo nguồn nước ngầm trên đảo, giúp cho cây cối trên đảo phát triển xanh, tốt, tạo nên màu xanh giữa lòng biển khơi. Đặc biệt hơn, nhờ vào nguồn nước ngọt này, các cán bộ chiến sỹ trên đảo còn có điều kiện hỗ trợ, cung cấp nước cho các tàu bè và ngư dân đánh bắt cá trên quần đảo Trường Sa.

Đọc thêm