Ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong cổ phần hóa: Cần minh bạch mua - bán tài sản nhà nước

(PLO) - Sáng 28/5, Quốc hội (QH) tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016. Nhiều đại biểu (ĐB) đã chỉ ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế.
ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Xác định sai lệch giá trị DN để cổ phần hoá 

Theo báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp, công tác cổ phần hóa (CPH) đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện chính sách, pháp luật về CPH DNNN giai đoạn 2011-2016 còn tồn tại một số vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề tài chính DN, xác định giá trị DN.

Có trường hợp xác định giá trị DN vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị DN. Khi xác định giá trị DN để CPH, còn có trường hợp DN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Có hiện tượng sau CPH, DN cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm…

Thừa nhận nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua CPH do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế, ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, để khắc phục hạn chế này, không cách nào hay hơn là phải công khai, minh bạch mọi việc mua bán tài sản nhà nước bởi nếu được công khai trên thị trường với giả định loại bỏ được các yếu tố lũng đoạn chi phối thì sẽ thể hiện được giá trị thực, có như vậy mới không bị lãng phí, không phát sinh tiêu cực, tham nhũng thất thoát. Vì vậy, cơ chế định giá tài sản CPH DN cần được chấn chỉnh thực hiện triệt để theo cách này. 

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) nhận xét việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong các giá trị DN CPH là vấn đề gây rối ren và bức xúc, gây thất thoát ngân sách nhà nước hiện nay trong quá trình CPH. “Đề nghị Chính phủ sớm rà soát và thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp, không đúng quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh cách tính giá thuê đất một cách khẩn trương, minh bạch, mạnh mẽ để giải quyết có hiệu quả tồn tại vấn đề đất đai trước khi CPH hiện nay gây thất thoát và gây bức xúc trong dân”, ĐB kiến nghị.

Giải trình về vần đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận có nhiều khu vực đất đai đang sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt, trong đó có nhiều khu “đất vàng”; giá đất hiện hành khác lớn so với giá trên thị trường là do chưa xác định đúng giá trị, vị thế các khu đất thuộc sở hữu DN. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 01 (sửa đổi), trong đó quy định về phương án sử dụng đất khi CPH DNNN. Hiện, các bộ, ngành đang tiến hành công tác thanh tra tất cả các dự án có “đất vàng” và trên cơ sở thanh tra phát hiện có những vấn đề thiếu minh bạch, không đảm bảo sự phù hợp về vấn đề xác định giá đất đai thì sẽ xem xét để có những biện pháp để xử lý thích hợp.

DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm?

Tại phiên họp, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng có 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước, bao gồm kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; và định giá DN thấp khi CPH. Trong đó, ĐB Cường chỉ ra 3 lý do dẫn đến việc kinh doanh lỗ làm thất thoát vốn của DN.

Thứ nhất là do trình độ quản lý của DN yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả.

Thứ hai, vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp để hưởng lợi. “Đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng được chia phần từ những lĩnh vực đầu tư này. Hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để hưởng những lợi ích, phần trăm từ đó.

Tóm lại, đây là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ các DNNN”, ĐB nói.

Nguyên nhân thứ 3, theo ĐB Cường, là dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm. “Chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để DN lỗ. Thậm chí có DN khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ.

Những DN lỗ nhưng đội ngũ cán bộ quản lý DN vẫn được hưởng mức lương cao chứ không phải thấp vì cơ chế trả lương cho các DN là khi DN làm ăn có lãi thì được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng không bị giảm mức lương này xuống. Chính vì yếu tố trên nên đây là một động lực lôi kéo những người quản lý DN không muốn CPH những DNNN”, ĐB Cường nói và cho rằng chúng ta đang có lỗ hổng về quy định trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của DN. 

“Chốt” 4 nhóm vấn đề chất vấn

Sáng 28/5, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các đại biểu, QH đã lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ LĐTB&XH.

Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của các Bộ trưởng 4 Bộ trên, trong phiên chất vấn, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; bộ trưởng các bộ khác, thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước... sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Đọc thêm