Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời gắn liền những chiến thắng lịch sử

(PLVN) - Do tuổi cao, sức yếu, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã từ trần tối 22/4/2019. Ra đi ở tuổi 99, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trải qua hơn 80 năm, gắn liền với những chiến thắng, những bước ngoặt thăng trầm của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cùng các đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng đợt đầu duyệt Đội Danh dự QĐND Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 19/12/1994
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cùng các đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng đợt đầu duyệt Đội Danh dự QĐND Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 19/12/1994

Người luôn quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách

Với trọng trách và tình cảm sâu nặng của mình, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ). Bởi theo ông, chính sách là một mặt công tác quan trọng kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và công tác tư tưởng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.

Báo Pasaxon (Nhân dân) của Lào đưa tin ngày 23/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.

Nội dung bức điện viết: “Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa V, VI, VII, VIII, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX.

Chúng tôi đánh giá cao về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh trong sự nghiệp đấu tranh cứu nước, vì nền độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước của Việt Nam trong suốt hơn 80 năm...”.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT) kể: “Khi tôi đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Chính sách, TCCT, thì Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước. Với tình cảm sâu nặng và trách nhiệm của mình, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên quan tâm đến công tác chính sách. Nhiều lần, ông cho thư ký gọi tôi đến báo cáo tình hình công tác chính sách đối với quân đội và HPQĐ. 

Trong các lần được tiếp kiến với ông, ông thường hỏi tôi nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề quan tâm như đời sống bộ đội ở biên giới, hải đảo; quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ; tìm mộ liệt sĩ; đời sống các gia đình chính sách v.v …”. 

Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 1 cho 19.879 bà mẹ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và 5 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 19/12/1994, Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch.

59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của mọi miền đất nước, đại diện cho gần 2 vạn bà mẹ được phong tặng được mời về dự. Lễ đón các mẹ được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra tận xe mời các mẹ bước lên thảm đỏ duyệt Đội Danh dự QĐND Việt Nam và cùng các đồng chí lãnh đạo hướng dẫn các mẹ lên Phòng Đại lễ của Phủ Chủ tịch.

Tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đọc lời tuyên dương công trạng lớn lao của Phụ nữ Việt Nam, của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà công lao gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân đời đời ghi nhớ.

Hình ảnh diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày hôm đó thật cảm động, nghĩa tình, là biểu tượng cao quý, đẹp đẽ của sự hy sinh và lòng thủy chung nhân nghĩa.

Lời thề Trường Sa

Đầu tháng 5/1988, trong chuyến thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng nói về chủ quyền thiêng liêng của quần đảo Trường Sa.

Đến nay, bài phát biểu ấy vẫn được cán bộ, chiến sĩ Hải quân trân trọng trưng bày ở Phòng truyền thống của đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa). Tại buổi lễ, Đại tướng nói: “Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ…”

Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. 

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ tháng 5/1938, hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh, Phú Riềng và các tỉnh Nam Bộ cho đến Cách mạng Tháng 8/1945.

Từ năm 1948 đến năm 1954, ông kinh qua nhiều chức vụ như Tham mưu trưởng các quân khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Từ năm 1955 đến năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 2/1964 đến năm 1975, ông trở lại miền Nam chiến đấu trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam.

Từ tháng 5/1976 đến năm 1986, ông được giao nhiều trọng trách lớn như Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Campuchia. Năm 1986, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham gia quân đội, đi qua ba cuộc kháng chiến, ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958, phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Năm 1980 là Thượng tướng và năm 1984 là Đại tướng.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cố vấn của Trung ương Đảng từ năm 1997 đến năm 2001.

Đọc thêm