Những người lấy thân mình làm cột mốc giữ biên giới Tây Nam

(PLO) - Mùa Xuân về, trong lòng chúng tôi, những người lính Biên phòng trước đây lại xao xuyến, bâng khuâng nhớ đồng đội khắp mọi miền đất nước đã từng sống như anh em một nhà, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trên cánh rừng già biên giới xa xôi. 
Những người lấy thân mình làm cột mốc giữ biên giới Tây Nam

Những năm tháng trong cuộc đời quân ngũ đã in đậm trong lòng tôi những kỷ niệm khó phai mờ của một thời máu lửa đau thương, đọng lại nỗi niềm không bao giờ phai nhạt của một người lính với những trận đánh đã đi vào lịch sử Truyền thống Bộ đội Biên phòng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tại biên giới Tây Nam. 

Ai đã nghĩ Hòa bình biên giới/ Và ai từng nhớ tới các anh?/ Nơi đây biên giới màu xanh/ Chiến tranh như đã phủ quanh núi rừng…

……

Đã quá nửa đêm ngày 22/12/1977, bọn lính Pôn Pốt bất ngờ đồng loạt tấn công các đồn Biên phòng tỉnh Bình Phước. Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, biết không thể cướp được gì, bọn chúng vội vã tháo chạy về bên kia biên giới trước khi trời sáng, để lại nhiều xác chết phơi trên chiến hào xung quanh trận địa các đồn Biên phòng. 

… Sau Tết Nguyên đán Mậu Ngọ và gần một tuần im ắng không có tiếng súng gây chiến như thường lệ, rạng sáng ngày 27/2/1978, một tiếng nổ vang ở hàng rào phía nam Đồn Biên phòng Cửa khẩu 717 Hoa Lư, thuộc địa phận xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tổ trinh sát kiểm tra thấy vũng máu và vài đôi dép để lại, bọn thám báo địch mò vào dò xét bị trúng mìn.

Một đàn chim lợn từ đâu bay đến đậu đầy cây Bằng Lăng bên hàng rào đồn, chúng kêu eng éc inh ỏi đến rợn người, không khí trong Đồn Biên phòng Hoa Lư thật căng thẳng và nặng nề, anh em nghỉ trong các hầm đã vào vị trí chiến đấu.

Loạt đạn cối, M.79, B.40 đầu tiên khai hỏa của địch đã thiêu cháy trụi hết các căn nhà lá của đồn trên mặt đất, tiếng cuốc xẻng đào công sự thình thịch quanh đồn, cứ khoảng nửa giờ chúng lại bắn đạn cối và vài loạt đạn khiêu khích vào trong đồn ……

23 giờ 20 đêm, hơn hai trung đoàn Polpot ồ ạt tấn công Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư từ nhiều hướng, chúng vừa đào công sự, lập hàng chục vòng vây xung quanh đồn vừa la hét man rợ như thú dữ bằng tiếng Khơme và tiếng Việt: “Bắt sống bọn Biên phòng Việt Nam, giết hết bọn “Duôn” Việt Nam”, (“Duôn” – tiếng Khơme có nghĩa là “mọi rợ” - PV).

Hàng loạt đạn lớn nhỏ, pháo, cối, M.79, B.40, B.41… thi nhau trút lửa vào trận địa của đồn. Song, hệ thống hầm hào phòng thủ trong đồn rất vững chắc, bọn giặc không dễ gì cướp được đồn. Mặc dù có thể lần này chúng quyết tâm nhổ bằng được “cái gai” là đồn Hoa Lư hàng ngày chọc vào mắt chúng.

Đến 5 giờ sáng ngày 28/2/1978, trận chiến trở nên càng ác liệt hơn, khói lửa, bụi đỏ bốc lên mù mịt, ngút trời… nhiều người bị đất đá vùi lấp, vẫn cố sức ngoi lên, tiếp tục nổ súng về phía địch. Trung sĩ Tiến một mình bắn hai khẩu cối 82, băng mình qua làn mưa đạn của địch, vượt qua sân đồn vác hai hòm đạn lao về vị trí chiến đấu; Hạ sĩ Tích bắn liên tục 12 quả đạn B.40 vào đội hình địch cho đến khi hai tai rỉ máu. Binh nhất Cam, Hạ sĩ Này dùng đại liên bắn xối xả vào quân địch cho đến khi nòng súng đỏ rực, đạn rơi ngay trước mặt…

Nén nhang thơm tri ân được thắp lên Đài liệt sĩ ở Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư
Nén nhang thơm tri ân được thắp lên Đài liệt sĩ ở Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư

Theo hợp đồng tác chiến với Sư đoàn 2 quân chủ lực đóng trên địa bàn huyện Lộc Ninh, khi có chiến sự xảy ra, pháo binh của Sư đoàn sẽ chi viện xuống các tọa độ đã định vị sẵn xung quanh các đồn Biên phòng để yểm trợ.

Nhưng hôm đó, Sư đoàn trưởng vắng mặt, Sư đoàn phó không thực hiện được việc chi viện. Một điều lạ là hai trung đoàn quân tiền phương của Sư đoàn 2 đóng ngay gần đó cũng không được lệnh động binh.

Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư cách thị trấn Lộc Ninh chỉ hơn 10 km theo đường chim bay, suốt đêm 27 và cả ngày 28/2/1978, tiếng súng, pháo và đạn cối các loại nổ tạch đùng liên hồi, ầm ầm dội về, cả huyện Lộc Ninh không ai chợp mắt vì lo lắng, nhất là các gia đình có con em đang chiến đấu quyết liệt trong Đồn Biên phòng Hoa Lư, họ đứng ngồi không yên.

Nhân dân Lộc Ninh và các đơn vị đang làm nhiệm vụ giải vây, chốt giữ ở vòng ngoài đã vô cùng cảm kích tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư, dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tấn công điên cuồng của địch, hạn chế tối đa mọi sự thương vong, thề quyết chiến đấu đến cùng và quyết tâm không để đồn rơi vào tay giặc. 

Đến 16 giờ chiều ngày 28/2, sau hơn một ngày đêm giao tranh quyết liệt, các đơn vị C1 và C3 thuộc Biên phòng tỉnh tăng cường đã không thể phá được các lớp vòng vây dày đặc của quân thù, hầm hào cố thủ chắc chắn trong đồn làm nhiều người vững tâm, nhưng cơ số đạn dự trữ đã gần hết, Trung sĩ Tiến và một người nữa đã hy sinh do địch bắn tỉa từ trên cây cao quanh đồn.

Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải liên tục điện về tỉnh bộ xin ứng cứu… Lệnh rút quân, mở đường máu ra ngoài về hướng nội địa đã được báo vụ phát đi từ Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh bộ ở Lộc Ninh. 

17 giờ chiều, từng toán quân lần lượt ra đi, chặng đường phá vây, rút quân một mất một còn, đầy gian nan, hiểm nguy rình rập, vượt qua hàng chục vòng vây đằng đằng sát khí của kẻ thù, mọi người đều mệt mỏi rã rời, đói khát, mất ngủ…

Bảy người đã hy sinh ngay khi vừa ra khỏi công sự của đồn dưới làn đạn khốc liệt của quân Polpot, vài đội hình tan tác, mỗi người lạc một hướng trong rừng rậm, tự tìm đường chạy hoặc nằm nấp vào bờ bụi. Thấy trong đồn không còn tiếng súng kháng cự, chúng ào ạt xông vào đồn, vượt qua đầu chiến sĩ ta đang ẩn nấp, nhiều người nhờ thời cơ đó và cây rừng che chắn nên thoát được.

19 giờ, bọn lính áo đen Polpot tràn được vào đồn như quân ăn cướp. Chúng hú lên như loài ác thú, cướp, đốt phá và lấy hết đi tất cả những gì lấy được: Gạo, mỳ tôm, thịt hộp, rau đang dùng dở, cuốc, xẻng …, kể cả quần áo đang dính máu trên thi thể các chiến sĩ Biên phòng đã hy sinh, cho nổ tung hầm Hậu cần, giếng nước ăn… lấy lưỡi lê băm nát rồi gài mìn vào thi thể các đồng đội chúng tôi, hôm sau mới rút đi…

Hơn 1 giờ sáng ngày 1/3/1978, toán quân đầu tiên mở đường máu đã về đến Lộc Ninh, còn lại năm người, mặt mày sạm đen vì thuốc súng … Đến 5 giờ sáng, toán quân thứ hai đã trở về, còn lại sáu người, trong đó có binh nhì Nguyễn Quang Uyên (quê hương Tiền Hải - Thái Bình) …

Ban Chỉ huy đồn và đội trưởng các đội mỗi người dẫn theo một toán quân. Hướng rút quân của Đồn trưởng và một số cán bộ các đội ra phía cổng đồn theo lệnh của Ban Chỉ huy tỉnh vì có hai đơn vị C1 và C3 đang chốt giữ và làm nhiệm vụ giải vây, nhưng không thành công vì hỏa lực địch quá mạnh.

Chỉ có một mình liên lạc Ngô Quang Thái (quê ở Vĩnh Bảo – Hải Phòng) nhanh chân chạy thoát, còn lại đều hy sinh oanh liệt khi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

Hơn một tuần sau, đúng vào đêm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, toán quân cuối cùng, lạc sâu trong rừng rậm, tưởng như đã mất hết hy vọng đã bò lết về được đến làng 9, xã Lộc Tấn, còn lại bốn người phờ phạc, đói khát và yếu ớt, trong đó có Trung sĩ y tá Trần Phúc Dư (quê ở Vụ Bản – Nam Định).

Tác giả đang tác nghiệp tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư
Tác giả đang tác nghiệp tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư

Thượng úy Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải (sinh năm 1935, nhập ngũ năm 1953) cùng 32 cán bộ chiến sĩ (gần một nửa quân số hiện hữu) của Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc, còn lại 35 người trở về, có 23 người bị thương, trong đó 12 người bị thương nặng.

… Gần 2 giờ sáng ngày 16/3/1978, bọn lính áo đen Polpot lại bất ngờ luồn sâu vào đất Việt Nam hàng chục cây số, tại thôn Thiện Hưng, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp – phía Bắc Lộc Ninh, tàn sát, đốt phá, hãm hiếp, giết phụ nữ, người già, xé xác trẻ em tung lên, lấy lưỡi lê hứng, chọc nát rồi quăng vào lửa…, nơi đây thuộc địa phận của Đồn Biên phòng  707 Đa Quýt, tỉnh Bình Phước.

Nhờ phát hiện và triển khai tác chiến kịp thời, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 707 đã chiến đấu đánh bật nhiều đợt tấn công ăn cướp của kẻ thù, quyết tiêu diệt địch, hàng chục tên phải phơi xác trên cánh đồng Xa-rây trước cửa đồn.

Ngày hôm sau, gần 500 ngôi mộ mới mọc lên trong đổ nát hoang tàn. Đau thương này như lặp lại ở Trường Phổ thông cấp 1 & 2 xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh bên cạnh, chỉ sau một đêm Tết Trung thu (ngày 24/9/1977), có hơn 800 thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh bị bọn lính áo đen Polpot tràn sang tàn sát, hãm hiếp, giết hại dã man và gây thiệt hại nặng cho Đồn Biên phòng Sa-mát gần đó… 

Bình minh buổi sớm rực trời đông/ Ngày ấy ra đi lúc tuổi hồng/ Biên giới Tây Nam ta thẳng tiến/ Một lòng thề trọn với non sông/ Chân bước ra đi tự nhủ lòng/ Ngày về thắng lợi vẫn chờ mong/ Hậu phương Cha dõi theo từng bước/ Mỗi độ xuân về Mẹ ngóng trông…

Tiếp bước Cha, Anh giữ biên cương/ Gian lao vất vả vẫn coi thường/ Xuyên rừng vượt núi lòng hăng hái/ Thỏa nỗi chờ mong của hậu phương/ Đã mấy chục năm trở về đây/ Vẫn con đường cũ với hàng cây/ Đất nước thanh bình lòng rạo rực/ Quê hương hạnh phúc mãi tràn đầy!”.

Ông Trần Đức Phúc, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sông Bé (cũ), Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã quyết định lấy ngày 28 tháng 2 hàng năm làm ngày họp mặt Truyền thống cùa Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước 

Chiến tranh đã lùi xa, gần bốn mươi năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn cảm thấy nóng hổi như mới xảy ra ngày hôm qua. Bài viết này cũng là một nén nhang thơm thắp lên Đài liệt sĩ ở Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư, để tưởng nhớ các đồng đội thân yêu của chúng tôi đã ngã xuống vì chủ quyền biên giới phía Tây Nam Tổ quốc.

Đọc thêm