Phải triệt phá tận gốc các ổ nhóm buôn lậu

(PLVN) - Vì sao công tác chống buôn lậu tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, các vụ việc vi phạm hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở vận chuyển, mang vác thuê (mới xử lý phần ngọn), chưa triệt để phá được tận gốc? 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đặt vấn đề như trên.

Năm 2018, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 234.606 vụ vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách nhà nước 19.377 tỷ đồng (tăng 7,7%), khởi tố 1.446 vụ án, 1656 đối tượng (tăng 6%).

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể như chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá điếu, xì gà…  

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ công tác chống buôn lậu tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, các vụ việc vi phạm vẫn là nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở vận chuyển, mang vác thuê (mới xử lý phần ngọn), chưa triệt để phá được tận gốc nên tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần làm tốt công tác phòng ngừa, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

“Đối với tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, hàng giả, phân bón, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân…, cần xác lập các chuyên án lớn, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Đọc thêm