“Pháp luật Việt Nam đang tiếp bước vững chãi tuổi 30“

(PLO) - Đó là khẳng định của TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trong diễn văn Chào mừng 30 năm Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất.
TS. Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
TS. Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
Báo điện tử Pháp luật Việt Nam xin đăng tải toàn bộ bài diễn văn này.
Kính thưa Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các vị khách quý.
Hôm nay, Báo Pháp luật Việt Nam vui mừng được chào đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành; các vị khách quý về dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên, đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất và Lễ vinh danh Gương sáng Tư pháp. Thay mặt tập thể những người làm Báo Pháp luật Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham dự của các đồng chí và bạn bè, đồng nghiệp, cộng tác viên của Báo trong buổi Lễ hôm nay. Đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với những người làm Báo Pháp luật Việt Nam trên ngưỡng cửa tuổi 30 đầy nhiệt huyết, phấn đấu vì sự nghiệp truyền thông pháp luật và sứ mệnh cao cả của báo chí Cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
Kính thưa các Đồng chí
Ngày 3/4/1985, Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định thành lập Báo Pháp luật Thường thức để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 10/7/1985, trên tay những người cán bộ Tư pháp và bạn đọc trong cả nước là một tờ báo mới: Pháp luật thường thức. Trong bối cảnh khi ấy, số tờ báo trên cả nước không nhiều, điều kiện in ấn khó khăn, càng chưa có Internet, Pháp luật thường thức đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, đặc biệt là những cán bộ khối Tư pháp – Nội chính, thì tờ báo thực sự là “của quý hiếm”
 
Về tổ chức, chỉ với bộ khung vài người được tách ra từ Vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp, những người làm báo đầu tiên gánh vác sứ mệnh làm báo của Bộ Tư pháp đã ý thức rất rõ về vai trò, nhiệm vụ của mình, đó là thực hiện sứ mệnh truyền thông pháp luật, tuyên truyền về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước. Tờ Pháp luật thường thức phát hành 2 tuần 1 kỳ nhanh chóng trở thành tờ báo được dư luận trong và ngoài ngành quan tâm, đón mua, đón đọc.
Công cuộc đổi mới không chỉ mang đến sức sống mới cho đất nước mà còn tạo ra sức bật mạnh mẽ cho nền báo chí nước nhà, trong đó có Pháp luật thường thức. Năm 1989, Báo Pháp luật thường thức trở thành tuần báo được đổi tên thành Báo Pháp luật với sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo Bộ Tư pháp, tờ báo nâng kỳ, nâng trang, từng bước trưởng thành và ngày một thêm chững chạc trong đội ngũ báo chí cách mạng thời kỳ Đổi mới. 
Liên tục 20 năm sau đó, trên Báo Pháp luật thường xuất hiện liên tiếp các bài điều tra, câu chuyện vụ án, ký sự pháp đình …với những phân tích, bình luận pháp luật sâu sắc, là những kinh nghiệm pháp luật quý báu được chuyển ngữ, biên dịch từ báo chí nước ngoài; cả những câu chuyện nóng hổi từ thực tiễn đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật trên cả nước… 
Không thể chỉ ngồi chờ bài của cộng tác viên gửi về, cũng không thể chậm trễ trong việc truyền tải thông tin, Báo Pháp luật đã kịp thời với việc tăng kỳ, xuất bản số cuối tuần và phụ trương, tìm chọn cán bộ, bắt đầu thi tuyển phóng viên, trong đó ưu tiên người tốt nghiệp ngành Luật và báo chí… 
Năng lượng được tích tụ, thiên thời – địa lợi- nhân hòa đã đủ, thời khắc kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên cũng là lúc Pháp luật một lần nữa chuyển mình lột xác, đổi tên thành Pháp luật Việt Nam, xốc lại hành trang đón vận hội mới cũng như sẵn sàng đương đầu mọi thử thách, cam go. 
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng thưởng cho các Gương sáng Tư pháp.
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng thưởng cho các Gương sáng Tư pháp.
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, ngành Tư pháp tích cực triển khai các chiến lược của Đảng về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, xứng đáng với tiềm năng, cơ hội và vị thế của mình, năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam, giai đoạn 2008-2015. 
Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo bước ngoặt lịch sử đối với quá trình xây dựng và phát triển của Báo, tạo tiền đề để Báo Pháp luật Việt Nam có bước phát triển đột phá, vượt bậc trong sự nghiệp của mình và có được vị thế vững chắc trong làng báo chí cách mạng.
Với sự định hướng của Bộ Tư pháp trong Đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động, giai đoạn 2008-2015, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện những bước phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mình. Năm 2009, Báo đã thay đổi măng sét lần thứ 3, với những nét trẻ trung, sắc xảo và mạnh mẽ với slogan “Vì nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” thể hiện quyết tâm, khát vọng và tự tin đổi mới của những người làm báo Pháp luật Việt Nam trong một môi trường báo chí đang có sự thay đổi to lớn về công nghệ  làm báo cũng như cách thức tiếp cận, phục vụ các đối tượng bạn đọc; sự cạnh tranh của các cơ quan báo chí, các loại hình báo chí ngày càng lớn hơn và đặc biệt là sự phát triển của truyền thông xã hội. 
Với sự thay đổi về tư duy làm báo, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy tiếp cận, phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất, từ năm 2011 đến năm 2015, được sự đồng ý của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự động viên, giúp đỡ của các cơ quan quản lý, đối tác và bạn đọc của Báo, Báo Pháp luật Việt Nam đã xuất bản thêm nhiều ấn phẩm phụ, như số phụ Pháp luật và Thời đại,  Xa lộ Pháp luật, Câu chuyện Pháp luật và Pháp luật 4 Phương. Các số phụ được xuất bản mới không chỉ là cách thức để Báo Pháp luật Việt Nam tiếp cận và phục vụ các nhóm bạn đọc khu vực nông thôn, những người lao động bình dân mà còn là hình thức đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền pháp luật đến với người dân. 
Với những nỗ lực to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Báo, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành tờ báo có số lượng ấn phẩm đa dạng và có nhiều bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước, với 8 ấn phẩm báo in và 1 ấn phẩm báo điện tử, đa dạng, phong phú các ấn phẩm cũng đồng nghĩa với sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng bạn đọc tư tưởng, triết lý mà người làm báo Pháp luật Việt Nam đã lựa chọn. Tờ báo hay là tờ báo có nhiều độc giả, có nhiều độc giả thì tất nhiên truyền tải được nhiều hơn định hướng về một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nhờ đó, củng cố uy tín, thế đứng của tờ báo, khẳng định uy tín, vị thế của ngành Tư pháp nước nhà.
Đội ngũ những người làm Báo Pháp luật Việt Nam từng bước trưởng thành và lớn mạnh, vững vàng về bản lĩnh chính trị và có nhiều sáng tạo, đột phá trong tư duy và phong cách làm báo mới, gắn bó với cuộc sống và đồng hành cùng bạn đọc. “Ngôi nhà” Pháp luật Việt Nam đã quy tụ được nhiều tên tuổi các nhà báo giàu lòng đam mê, bản lĩnh, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động nghiệp vụ và liên tục đổi mới nội dung các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục tạo ra sức hấp dẫn liên tục của các ấn phẩm đối với bạn đọc. 
Cùng với việc kiện toàn và củng cổ công tác Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các phòng ban chuyên môn, cán bộ chủ chốt, các văn phòng đại diện trải dài khắp đất nước và cùng với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được tăng cường đã tạo ra các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để tờ báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. 
Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Đào Văn Hội, tại hội trường 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, nhân dịp 30 năm ngày thành lập báo, ngày 16/7/2015.
Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Đào Văn Hội, tại hội trường 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, nhân dịp 30 năm ngày thành lập báo, ngày 16/7/2015.
Không chỉ thực hiện tốt nghiệp vụ làm báo, trong giai đoạn 2008-2015, Báo Pháp luật Việt Nam còn ghi dấu ấn đậm nét trong các hoạt động truyền thông pháp luật khác thông qua việc tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện và tổ chức sự kiện thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội đối với bạn đọc trong cả nước. Các sự kiện xã hội từ hiện được Báo tổ chức hàng năm, trở thành một hoạt động định kỳ của Báo, như: vận động tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách khu vực miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng “mái ấm Tư pháp” cho các cán bộ Tư pháp còn khó khăn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, huyện đảo Lý Sơn; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó theo chương trình xã hội từ thiện hàng năm…
Đặc biệt là với sự hợp tác, giúp đỡ của các doanh nghiệp, đối tác, trong gần 10 năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện thành công Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, cấp phát miễn phí các ấn phẩm của Báo cho cán bộ và đồng bào các xã miền núi, khu vực khó khăn. Đã có hàng trăm doanh nghiệp ủng hộ đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam, với số tiền nhiều tỷ đồng, đưa các ấn phẩm của Báo về vùng sâu, vùng xa, giúp người nghèo tiếp cận và cập nhật thường xuyên thông tin pháp lý 
Với việc thực hiện chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, được Bộ Tư pháp và Chính phủ đánh giá là một ý tưởng sáng tạo, có ý nghĩa trong việc kết nối các nguồn lực của xã hội, Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Báo Pháp luật Việt Nam còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức thành công các chương trình bình chọn Hãng luật và Luật sư tiêu biểu để tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý, góp phần nâng cao ý thức và tinh thần thượng tôn pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân.
Với những nỗ lực và đóng góp của Báo Pháp luật Việt Nam đối với Bộ, ngành Tư pháp và đối với sự nghiệp báo chí cách mạng, Báo Pháp luật Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, có ý nghĩa. Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002); Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2005); năm 2014, Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và năm 2015, Báo vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân Chương lao động hạng Nhất và có lẽ, phần thưởng to lớn nhất mà Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đó chính là sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp; sự hợp tác, giúp đỡ của các doanh nghiệp đối tác đối với Báo và đặc biệt là sự yêu mến của hàng triệu bạn đọc trong cả nước đã đồng hành cùng báo trong suốt 30 năm qua.
Kính thưa các Đồng chí
Sau 30 năm vững bước, trưởng thành được Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và bạn đọc tin yêu, dành tặng những phần thưởng cao quý cho Báo, tập thể lãnh đạo và những người làm Báo Pháp luật Việt Nam ý thức được rằng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục bứt phá và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đất nước cũng bắt đầu bước sang năm thứ 30 của sự nghiệp đổi mới, thực hiện việc hội nhập sâu sắc, toàn diện với nền kinh tế toàn cầu; Đảng, Nhà nước đang thực hiện một cách quyết liệt các cải cách trong lĩnh vực tư pháp và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Bộ, ngành Tư pháp giao và bạn đọc tin tưởng. Trong bối cảnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục định hướng phát triển với các phương hướng quan trọng là:
1. Tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích của Báo; thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp; thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc đa dạng hóa các ấn phẩm để tạo thêm các kênh thông tin, tuyên truyền pháp luật đến với các nhóm bạn đọc trong cả nước; những người làm báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, nhạy bén, linh hoạt với cái mới, tuyệt đối trung thành với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và trở thành các chiến sỹ cách mạng, đi tiên phong trên mặt trận truyền thông pháp luật; góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân thực hiện đấu tranh chống các hiện tượng xã hội tiêu cực, chống tham nhũng vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
2. Đổi mới tư duy và công nghệ làm báo; không ngừng sáng tạo trong việc tổ chức xuất bản các ấn phẩm báo in, báo điện tử. Trong bổi cảnh khoa học, công nghệ thông tin và Internet đang phát triển nhanh, thông tin điện tử trở thành kênh thông tin phổ biến, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ đổi mới nhanh chóng, bắt kịp và từng bước làm chủ công nghệ làm báo mới trong thời đại thông tin điện tử và Internet; lấy công nghệ thông tin và Internet làm động lực và phương tiện để phát triển, từ đó tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông pháp luật trong thời kỳ số hóa và Internet.
3. Tiếp tục thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các hoạt động xã hội từ thiện và tổ chức sự kiện để nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của những người làm báo Pháp luật Việt Nam đối với xã hội, thúc đẩy, mở rộng Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật bằng bằng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các cuộc hội thảo chuyên sâu cho đối tượng bạn đọc là doanh nghiệp, doanh nhân và các đối tượng bạn đọc khác nhau. Tiếp tục kiến giải thành công lĩnh vực kinh tế - báo chí để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, vừa bảo đảm từng bước vững chắc nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, đổi mới trang thiết bị và các điều kiện cơ sở vật chất để tờ báo đủ sức cạnh tranh trong điều kiện phát triển mới của báo chí cách mạng nước nhà. Tam thập nhi lập, Pháp luật Việt Nam đang tiếp bước vững chãi tuổi 30, các thế hệ những người làm báo Pháp luật Việt Nam đang truyền cho nhau ngọn lửa đam mê, sáng tạo và nhiệt tình cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp truyền thông pháp luật, sự nghiệp tư pháp, vì một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. 
Kính thưa các Đồng chí
Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ những cống hiến to lớn, bền bỉ của các thế hệ những người làm báo Pháp luật Việt Nam; sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông; sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự yêu mến, gắn bó của bạn đọc, các doanh nghiệp đối tác. Trong buổi Lễ kỷ niệm trang trọng và ấm cúng hôm nay, thay mặt tập thể những người làm báo Pháp luật Việt Nam. Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các Đ/c Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông, các thế hệ cán bộ của Báo Pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp đồng hành cùng Báo và đặc biệt là sự biết ơn của Báo đối với hàng triệu bạn đọc trong cả nước đã tin tưởng, yêu mến, gắn bó, ủng hộ với các ấn phẩm của Báo.
Sự hiện diện của Quý vị hôm nay là nguồn động viên, sức mạnh vô cùng quý báu đối với tờ báo Pháp luật Việt Nam
Cuối cùng, tôi xin chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, thành công.
Xin chân thành cảm ơn.

Đọc thêm