QH chất vấn và trả lời chất vấn: Vấn đề gì sẽ “làm nóng” nghị trường?

(PLO) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, trong 3 ngày từ ngày 30 đến ngày 1/11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một trong những hoạt động đặc biệt quan trọng của kỳ họp Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước.
ĐBQH Tô Văn Tám.
ĐBQH Tô Văn Tám.

Rà lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng

Diễn ra vào giữa nhiệm kỳ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp này sẽ có một số điểm mới. Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tô Văn Tám (Kon Tum), vì là kỳ họp giữa kỳ nên tại kỳ họp này QH sẽ không chất vấn từng nhóm vấn đề nào hay lựa chọn một số thành viên của chính phủ để chất vấn như những kỳ họp trước.

Thay vào đó, cùng với lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tại kỳ họp này. các thành viên của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ báo cáo kết quả thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay. 

Sau khi nghe các báo cáo của các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các vấn đề, trong đó tập trung vào vấn đề mà ở các phiên chất vấn trước đây các Bộ trưởng đã hứa để xem Bộ trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân dân tối cao có thực hiện những lời hứa khi trả lời chất vấn không, thực hiện như thế nào, có tốt không để chất vấn tiếp. 

Theo ĐBQH Tám, việc chất vấn như vậy là rất là tốt bởi lẽ khi được chất vấn rồi, trả lời chất vấn rồi, đã hứa rồi, đã có nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn rồi thì phải xem từ đó đến nay những người bị chất vấn đã làm thế nào, có làm không, nếu đã làm thì có làm đến nơi đến chốn không. 

“Cái mà ĐBQH và cử tri quan tâm là những lời đã hứa trước Quốc hội và cử tri thì phải làm đến nơi đến chốn chứ không phải làm nửa vời. Ý lần này là xem anh đã làm đến nơi đến chốn chưa, nếu thực hiện chưa tốt thì xem thử nguyên nhân vì sao. Tất nhiên trong quá trình thực hiện những lời hứa đó thì cũng có tác động khách quan, chủ quan của nó nên có những vấn đề có thể thực hiện chưa được toàn vẹn hoặc chưa tốt thì cũng phải xem thử xem nguyên nhân là gì để từ đó các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn những lời hứa của mình trước cử tri và Quốc hội”, ĐBQH Tám nói.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình), Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cũng cho rằng việc chất vấn giữa nhiệm kỳ nhằm xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội cũng như rà lại việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng tại các kỳ họp trước là hình thức rất hiệu quả, mang tính chất “hậu giám sát” việc thực hiện lời hứa. 

Theo ĐBQH Hải, đây là một trong những bước góp phần việc thúc đẩy thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Điều này sẽ giúp cho các kiến nghị của cử tri, các chất vấn của các ĐBQH đối với các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được thực hiện sớm hơn. Thông qua hình thức chất vấn này, các bộ trưởng cũng sẽ phải rà soát lại công việc của mình thông qua góc nhìn của cử tri, ĐBQH.

Bà Hải cho biết thêm, thông qua các kiến nghị của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện trước kỳ họp, có thể thấy cử tri quan tâm rất nhiều đến các lĩnh vực giáo dục với công tác thi cử, sử dụng sách giáo khoa; lĩnh vực giao thông với việc xuống cấp của các công trình BOT giao thông.

Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhận định việc đổi mới hình thức chất vấn như kỳ họp này là rất cần thiết, bởi những vấn đề mà xã hội quan tâm hiện nay là những vấn đề liên ngành, liên vùng. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Ví dụ xuất khẩu nông sản thì không chỉ có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải quyết mà cần phải có sự vào cuộc của Bộ Công thương nên nội dung chất vấn kỳ này không chỉ dành cho một bộ mà nhiều bộ có liên quan đều phải trả lời.

Phép thử khả năng quán xuyến của Tư lệnh ngành

Theo ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An), việc chất vấn như lần này sẽ tạo điều kiện cho các vị ĐBQH nắm bắt được nhiều vấn đề, chất vấn được nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm.

ĐBQH Trần Văn Mão.
ĐBQH Trần Văn Mão.

Sự thay đổi hình thức chất vấn cũng giúp đánh giá được năng lực, trình độ, khả năng quán xuyến, nắm bắt cụ thể các lĩnh vực thuộc ngành để giải quyết các vấn đề trong điều hành mà các thành viên chính phủ đang chịu trách nhiệm. Các tư lệnh các ngành, các thành viên Chính phủ để khái quát được những vấn đề, lĩnh vực mà ngành mình đang trực tiếp tham mưu, giải quyết thì cần phải nắm chắc để trực tiếp trả lời ĐBQH trong phiên chất vấn. ĐBQH Mão tin tưởng rằng, kỳ chất vấn sẽ được tiến hành 1 cách sôi nổi, đầy trách nhiệm, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.

Còn ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) cho hay ông cũng chưa hình dung được cách vận hành phiên chất vấn như thế nào nhưng ông nghĩ các ĐBQH sẽ phải nghiên cứu kỹ tất cả các vấn đề một cách tổng thể, kỹ lưỡng để lựa chọn, đưa ra câu hỏi phù hợp với vấn đề mình quan tâm. 

Với cách chất vấn mới, theo ĐBQH Quàng Văn Hương, các ĐBQH sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đưa ra câu hỏi. Việc không hạn chế các bộ, ngành trả lời cũng khiến các nội dung được nêu ra và trả lời trong phiên chất vấn mở hơn, phong phú đa dạng hơn.

“Để chuẩn bị tốt, các Bộ trưởng, thành viên chính phủ phải lưu ý rất kỹ đến các định hướng, các nội dung liên quan đến hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực điều hành của mình thời gian qua. Không lường trước được ai sẽ hỏi gì, hỏi như thế nào nên các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng”, vị đại biểu nhận định.

ĐBQH sẽ chất vấn gì?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM): Tôi quan tâm đến vấn đề “điểm nghẽn” trong giao thông hiện nay; vấn đề giải ngân vốn trong đầu tư công để tránh việc dở dang những dự án, nhất là các công trình giao thông lớn như cao tốc Bắc – Nam. Tôi cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp. Dù nền nông nghiệp Việt Nam có khởi sắc nhưng đời sống của người nông dân vẫn rất cùng cực, khó khăn. Vậy giải pháp nào để chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng nông thôn, bởi hiện có tới 60% người dân sống ở nông thôn và 40% người dân vẫn đang làm nông nghiệp?

ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội): Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm qua, cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trách nhiệm của các tư lệnh ngành. Tất cả chỉ tiêu đều dự kiến đạt và vượt ở cuối nhiệm kỳ. Quá trình các tư lệnh ngành trả lời chất vấn, đa phần đã đi thẳng vào vấn đề, nhưng cũng có tư lệnh trả lời chưa đáp ứng hết sự quan tâm của cử tri.

Lần này, tại các phiên chất vấn, ĐBQH cũng sẽ trở lại những vấn đề mà các vị bộ trưởng đã trả lời, đã hứa, cam kết thực hiện, để xem kết quả đạt được đến đâu và tiến tới giải pháp căn cơ nào trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, về cơ bản người dân vẫn quan tâm đến việc các tư lệnh ngành đã làm những gì để điều hành tốt hơn. Ở Hà Nội, cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường. Bản thân tôi trong kỳ họp lần này sẽ chất vấn các bộ trưởng về tiến trình thực hiện những lời hứa của ở các kỳ họp lần trước.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Chúng tôi quan tâm nhiều vấn đề, trong đó có quản lý đất đai. Tôi muốn Bộ Tài nguyên và môi trường có nghiên cứu, giải trình trước QH về những lời hứa của Bộ trưởng trước QH, đặc biệt cần nêu những giải pháp quản lý đất công cho doanh nghiệp thuê còn nhiều bất cập, gây thất thoát lãng phí. Sắp tới, vai trò của Bộ trưởng, Bộ đã giải pháp như thế nào, mang lại kết quả gì chưa. Về phía ĐBQH, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này trong thời gian tới để quản lý đất đai hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác tôi cũng quan tâm là trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn, kế hoạch 2017-18 phải thoái vốn 316 doanh nghiệp Nhà nước nhưng đến nay mới được 30 doanh nghiệp. Đây là vấn đề Chính phủ rất quyết tâm nhưng tại sao chậm thì Chính phủ cũng phải báo cáo, giải trình trước cử tri và giải pháp để làm sao sắp tới thoái vốn tích cực hơn, hiệu quả hơn để có nguồn lực đầu tư trở lại nền kinh tế.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Những vị Bộ trưởng nào trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất thì chắc chắn những vấn đề bức xúc ở bộ, ngành đó chắc chắn sẽ được nhiều ĐBQH đặt ra để giải quyết. Chẳng hạn ở ngành giáo dục, tôi cho rằng ĐBQH chất vấn tư lệnh ngành về những vấn đề còn tồn tại, để cả bộ trưởng, Quốc hội cũng như Chính phủ cùng nhìn nhận ra những vấn đề tồn tại, bất cập mà người dân đang bức xúc, để có giải pháp thực hiện. Chất vấn không phải ra đưa ra để nói nặng nhau hay có xung đột gì cả, mà vì sự mong mỏi của người dân. 

Đọc thêm