Quản lý biên chế công chức: Đánh thẳng vào kinh tế sẽ khiến người đứng đầu không dám làm trái

(PLO) - Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng việc quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức là rất chặt chẽ, đánh thẳng vào vấn đề kinh tế khiến họ không dám, không muốn và không làm trái quy định.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý biên chế công chức thay thế Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ -Chính phủ. 

Phải bồi hoàn nếu sử dụng quá biên chế được giao

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Luật cán bộ, công chức năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP.

Hai Nghị định nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý và quyết định biên chế công chức hàng năm bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước. 

Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế. Một trong những hạn chế, bất cập của 2 Nghị định trên được Bộ Nội vụ chỉ rõ là việc chưa quy định cụ thể trình tự quyết định biên chế công chức hàng năm; chưa quy định thời hạn Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ về tổng biên chế công chức hàng năm; đặc biệt, chưa quy định hình thức xử lý đối với người đứng đầu bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức.

Trên cơ sở nhận thấy được rõ bất cập, hạn chế như vậy, dự thảo Nghị định về quản lý biên chế công chức đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến có nhiều nội dung mới.

Trong đó, đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và của pháp luật; đưa vào xem xét phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; đồng thời phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

Quy định rất đúng

Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong thời gian qua vẫn có hiện tượng tùy tiện trong việc sử dụng biên chế, có những nơi sử dụng biên chế vượt quy định, tranh thủ để xin thêm biên chế công chức, viên chức.

“Thời gian qua, số biên chế công chức, viên chức ở các tỉnh, thành có sự không thống nhất, chênh lệch nhau rất nhiều. Ví dụ, cùng là tỉnh loại 1 nhưng có những tỉnh biên chế rất cao, có những tỉnh lại thấp. Cũng do công tác triển khai giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của cấp trên về biên chế chưa rạch ròi nên ở một số địa phương có tình trạng tranh thủ”, ông Hòa nhận định.

Theo ông Phạm Văn Hòa, tiền lương để trả cho những biên chế vượt quy định đó đều từ ngân sách mà ra. Do đó, việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thể hiện nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật.

“Đây là quy định rất thực tiễn nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quản lý biên chế, đồng thời góp phần giảm thiểu những tiêu cực “xin - cho” biên chế”, ông Hòa nói và cho rằng việc quy định rõ trách nhiệm như vậy sẽ góp phần đảm bảo quy định các bộ, ngành và tỉnh, thành thực hiện tinh giản biên chế mỗi năm 10% được thực chất, không có kiểu năm nay giảm nhưng năm sau lại tăng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng rất tâm đắc với quy định bắt buộc người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

“Việc quy định như vậy là rất chặt chẽ, đánh thẳng vào vấn đề kinh tế khiến người đứng đầu không dám, không muốn và không làm trái quy định của cấp trên. Anh sử dụng biên chế tùy tiện, muốn cho thêm người vào thì cho nhưng tiền để trả lương là từ ngân sách nhà nước, vẫn là tiền thuế của nhân dân mà ra.

Như vậy, nếu anh làm sai quy định thì anh phải bỏ tiền riêng, tiền của cá nhân bồi hoàn, trả lại cho ngân sách nhà nước. Quy định như vậy là rất đúng, rất phù hợp với tình hình thực tiễn; hợp tình, hợp lý; thể hiện được sự quyết tâm, cương quyết của Chính phủ trong việc đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý biên chế công chức, viên chức. Dư luận, người dân rất đồng tình, ủng hộ cách xử lý, quy định như vậy”, ông nhấn mạnh.

Đọc thêm