Tham gia CPTPP - cơ hội để hoàn thiện thể chế

(PLO) -Thảo luận ở Hội trường Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan diễn ra sáng 5/11, các đại biểu (ĐB) kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Theo đó, các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.
ĐB Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội trường.
ĐB Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội trường.

Tạo tiền đề quan trọng cho các Hiệp định khác

Đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. 

Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác.

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. 

Ngoài ra, sự kiện này cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo đại biểu, chúng ta cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. 

Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “made in Việt Nam” trong con mắt và trái tim người tiêu dùng toàn thế giới.

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) khẳng định, CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp chủ động xây dựng và phát triển chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng nghiên cứu đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, phát triển doanh nghiệp tận dụng tối đa hỗ trợ. 

Nhiều thách thức

Bên cạnh những cơ hội nói trên thì hiệp định cũng tạo nên không ít thách thức. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thống nhất với sự cần thiết và ủng hộ Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP vì đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật Điều ước quốc tế. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hoá chất… Tuy nhiên, đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện là thách thức lớn hơn cơ hội. 

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu

Đề cập đến những thách thức khi tham gia CPTPP, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay cả tại thị trường trong nước ở 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. 

Điều này sẽ tạo nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong cạnh tranh với quốc gia khác ngay thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng gia tăng. 

Chính bởi vậy, theo các ĐB, để tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại khi được Quốc hội phê chuẩn, đòi hỏi cần có phương án, kế hoạch hành động cụ thể. ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình QH mới chỉ liệt kê các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành mới các chính sách, văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.

Theo đại biểu, cần dự kiến được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, trong Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.

 “Tóm lại, vì rằng CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, thì Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất. Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập như Nghị Quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng ta đã yêu cầu”, đại biểu nêu ý kiến.

Trong khi đó, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) kiến nghị, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chất lượng. Về thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước.

Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đối tác, tạo sức hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả, nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. 

Đọc thêm